Liên hợp quốc cảnh báo nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển đã lên mức cao kỷ lục trong năm 2016, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động quyết liệt hơn để đạt được các mục tiêu trong thỏa thuận khí hậu Paris.
Trong bản tin công bố ngày 30/10, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cho biết nồng độ khí CO2 trung bình trên toàn cầu đo được trong năm ngoái đã đạt 403,3 phần triệu (ppm, đơn vị đo nồng độ của một chất trong hỗn hợp chứa chất đó), tăng so với mức 400 ppm trong năm 2015.
Nguyên nhân khiến nồng độ CO2 gia tăng là do tác động từ hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino làm nhiệt độ Trái Đất nóng lên bất thường, cũng như các hoạt động của con người.
Theo WMO, lần gần đây nhất nồng độ CO2 đo được trên Trái Đất đã lên mức cao tương tự là khoảng 3-5 triệu năm trước, khi mực nước biển ở mức cao hơn 20 mét so với hiện nay.
[Lượng phát thải khí CO2 có thể cao gấp 3 lần vào năm 2030]
Người đứng đầu WMO Petteri Taalas cho rằng nếu không nhanh chóng giảm lượng CO2 và các khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác, thế giới sẽ tiến tới mức tăng nhiệt độ "nguy hiểm" vào cuối thế kỷ này, ở mức cao hơn so với mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Môi trường thuộc LHQ Erik Solheim cảnh báo thế giới đang thải ra quá nhiều CO2 và cần đảo ngược xu thế này.
Theo ông, điều quan trọng hiện nay là ý chí chính trị toàn cầu và nhận thức về tính khẩn cấp của vấn đề.
Hiệp định lịch sử về biến đổi khí hậu, được 196 nước thông qua tại Paris cách đây 2 năm, đang đối mặt với áp lực sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận này.
Các quốc gia còn lại dự kiến sẽ kêu gọi đẩy nhanh việc thực thi thỏa thuận Paris tại các cuộc đàm phán về khí hậu diễn ra ở Bonn (Đức) vào tuần tới./.