Viêng Xay - Biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Lào

Viêng Xay là thủ đô của cách mạng Lào trong kháng chiến, nay đã thay đổi nhiều, mang dáng dấp của một khu du lịch lịch sử đồng bộ.
Viêng Xay là thủ đô của cách mạng Lào trong kháng chiến, cách trung tâm tỉnh lỵ Xamneua tỉnh Houaphan khoảng 30km. Có thế núi cao hiểm trở, lại có gần 500 hang động rất độc đáo nên trong kháng chiến chống Mỹ, Viêng Xay được chọn làm căn cứ địa cách mạng của Lào.

Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong và nhiều lãnh đạo cách mạng Lào đã từng sống, làm việc taị đây, trong các hang tự nhiên được công binh Việt Nam mở rộng, để lãnh đạo cuộc kháng chiến cứu nước cho đến ngày cách mạng toàn thắng năm 1975.

Sau 38 năm, cùng với sự phát triển của đất nước Lào, Viêng Xay ngày nay đã thay đổi nhiều, mang dáng dấp của một khu du lịch lịch sử đồng bộ, có đường nhựa phong quang, có hồ nước xanh, khu tưởng niệm lãnh tụ, nhà cửa khang trang, rất ấn tượng cho những ai một lần đã đến đây.

Ông Khamhung Huongvongsi, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Houaphan cho biết, trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển Khu du lịch lịch sử Viêng Xay, vì đây là địa danh lịch sử, là hình ảnh của liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào để cho thế hệ hôm nay và con cháu mai sau hiểu sâu hơn về mối tình son sắt Lào-Việt đã được thử thách qua thời gian.

Ông Huongvongsi cảm ơn Việt Nam đã giúp huyện Viêng Xay một số công trình có ý nghĩa giáo dục cao, đặc biệt trong tháng 3 vừa qua, việc Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LVB) và các doanh nghiệp trong Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) đóng góp 32 triệu USD xây dựng Bảo tàng Cách mạng Viêng Xay và cải tạo khu di tích lịch sử hang Phà Đeng có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lào Thongsinh Thammavong, là một sự kiện rất có ý nghĩa, thể hiện tình cảm anh em đặc biệt Lào-Việt Nam, là nguồn động viên lớn đối với nhân dân huyện Viêng Xay trong quá trình xây dựng và phát triển.

[Khởi công Bảo tàng Cách mạng Viêng Xay tại Lào]

Ngoài nhà Bảo tàng có quy mô lớn, các hạng mục công trình của dự án sẽ giúp cho quần thể khu di tích lịch sử đã đẹp lại càng nổi bật, đúng tầm với di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Nhằm giải quyết vấn đề giao thông đặc biệt khó khăn đối với Houaphan, thúc đẩy nhanh các dự án và thu hút được nhiều khách các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến với Houaphan nói chung và Viêng Xay nói riêng, vừa qua Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã tổ chức lễ khởi công xây dựng sân bay quốc tế Nọng Khang; Công ty Chitchareun - Công ty Việt kiều đã ký hợp đồng xây dựng đường số 3204 nối biên giới Sơn La của Việt Nam và Công ty cổ phần xây dựng 525 thuộc Tổng Công ty Công trình giao thông 5 - Bộ Giao thông Vận tải đã ký hợp đồng xây dựng bảy cầu trên quốc lộ 6A, chạy qua huyện Viêng Xay.

Gặp gỡ các cựu chiến binh Lào đã từng sống và chiến đấu tại chiến trường Houaphan, nay đang sống tại Viêng Xay họ đều bày tỏ vui mừng trước sự thay đổi của quê nhà và khẳng định không bao giờ quên những năm tháng chiến đấu bên cạnh quân tình nguyện Việt Nam.

Việc Việt Nam đầu tư xây dựng hạ tầng cho Viêng Xay và giúp tỉnh Houaphan phát triển cả đường bộ lẫn đường không là một việc làm rất thiết thực, tình nghĩa, đáp ứng lòng mong đợi của người dân địa phương, góp phần thắt chặt quan hệ Việt Nam-Lào./.

Hoàng Chương/Vientiane (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục