Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 20/12, tại thủ đô Cairo, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Ai Cập tổ chức Hội thảo với chủ đề "Thị trường Việt Nam: Cơ hội đầu tư và kinh doanh", nhằm giới thiệu những cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước cũng như xúc tiến thương mại song phương.
Tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam Đỗ Hoàng Long, Tham tán Thương mại Phạm Thế Cường, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Ai Cập Mohamed Yousef, đại diện Bộ Đầu tư và Hợp tác quốc tế và Bộ Công thương Ai Cập cùng đại diện của hàng chục doanh nghiệp lớn thuộc các lĩnh vực nông-lâm-thủy sản, phân bón và máy móc nông nghiệp của Ai Cập.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Đỗ Hoàng Long đã giới thiệu khái quát về tình hình kinh tế của Việt Nam, các chính sách, lợi thế và tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam, cũng như những hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài đến kinh doanh tại Việt Nam.
Về quan hệ Việt Nam-Ai Cập, Đại sứ Đỗ Hoàng Long nhấn mạnh Việt Nam và Ai Cập có nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực kinh tế và thương mại, đặc biệt chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam mới đây của Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El-Sisi đang mở ra một giai phát triển mới trong mới quan hệ truyền thống hai nước.
Do vậy, theo Đại sứ, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai bên hiện ở mức trên 300 triệu USD/năm là rất khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước.
Đại sứ Đỗ Hoàng Long cũng nêu ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại song phương, theo đó các doanh nghiệp hai nước cần tích cực tham gia những hội chợ thương mại, triển lãm và hội thảo đầu tư được hai bên tổ chức nhằm tìm kiếm các cơ hội kinh doanh.
Vấn đề cơ chế và cung cấp thông tin về thị trường, hàng hóa của nhau cũng là yếu tố hết sức quan trọng, qua đó nâng cao sự hiểu biết, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp hai nước.
Đại sứ cho biết Đại sứ quán Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Ai Cập kết nối để tìm kiếm đối tác tại Việt Nam.
Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Ai Cập Mohamed Yousef đánh giá Việt Nam và Ai Cập có mối quan hệ lịch sử lâu đời. Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng tống Abdel Fattah Al Sisi, các nhà lãnh đạo hai nước đã nhất trí tăng cường quan hệ kinh tế song phương.
Cả hai nước đều được hưởng lợi lớn từ hợp tác kinh tế khi hàng hóa được xuất khẩu sang thị trường của nhau.
Theo ông Yousef, cuộc hội thảo lần này là dịp để thảo luận chi tiết những cơ hội hợp tác kinh doanh cũng như cung cấp thông tin về thị trường và môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp hai bên. Việc thúc đẩy hợp tác thương mại sẽ giúp tăng kim ngạch buôn bán còn khiêm tốn hiện nay, đưa quan hệ hai nước lên một giai đoạn phát triển mới.
Nhân dịp này, ông Yousef cũng giới thiệu về môi trường kinh tế và đầu tư tại Ai Cập, cho rằng Việt Nam và Ai Cập có nhiều cơ hội và tiềm năng hợp tác song phương, nhất là trên những lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh.
[Tổng thống El-Sisi: Ai Cập luôn chào đón các doanh nghiệp Việt Nam]
Tại hội thảo, Tham tán Thương mại Phạm Thế Cường đã giới thiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, giải đáp những thắc mắc của một số doanh nghiệp Ai Cập về thị trường, các ngành hàng xuất nhập khẩu của hai nước.
Hiện nay nhiều hàng hóa của Việt Nam đã có mặt trên thị trường Ai Cập như thủy hải sản, càphê, hạt tiêu, điều, đồ gỗ, dệt may, sơ sợi, máy móc, thiết bị phụ tùng, điện thoại di động.
Trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 312,1 triệu USD năm 2016 311,8 triệu USD trong 11 tháng đầu năm nay, thấp hơn nhiều so với mức 380,8 triệu USD năm 2015.
Nguyên nhân của sự sa sút này, theo ông Phạm Thế Cường, hai bên cần khắc phục những hạn chế như thiếu thông tin thị trường giữa công đồng doanh nghiệp hai nước, các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại còn hạn chế...
Cũng tại hội thảo, ngoài việc được cung cấp thông tin thường xuyên hơn về thị trường cũng như hàng hóa của Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp Ai Cập mong muốn tăng cường xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam.
Một số doanh nghiệp Ai Cập cũng muốn gia tăng nhập khẩu các mặt hàng nông-lâm-thủy sản của Việt Nam. Một số khác cho rằng hai bên cần thúc đẩy hợp tác theo hướng cân bằng cán cân thương mại, theo đó đưa nhiều hàng hóa Ai Cập hơn vào thị trường Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Cairo, Đại sứ Đỗ Hoàng Long khẳng định chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Al-Sisi mở ra một hướng phát triển tốt cho mối quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế và thương mại cũng như nhiều lĩnh vực khác.
Quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập đã đạt được những kết quả nhất định nhưng chưa phát huy được tiềm năng.
Theo Đại sứ Đỗ Hoàng Long, 9 hiệp định được ký kết giữa hai nước nhân chuyến thăm của nhà lãnh đạo Ai Cập đã tạo ra những tiền đề để doanh nghiệp của hai bên có thể phát triển tốt hơn mối quan hệ hợp tác kinh doanh.
Đại sứ đánh giá rằng trong năm 2018, các hiệp định này bước đầu sẽ được triển khai và trong vài ba năm tới, trên cơ sở thực hiện 9 văn kiện hợp tác, hợp tác giữa giới doanh nghiệp hai nước sẽ ngày một phát triển hơn nữa./.