Việt Nam cần ưu tiên ứng phó với tổn thương từ những "cú sốc"

Theo Báo cáo Phát triển Con người Toàn cầu 2014, Việt Nam đứng thứ hạng thứ 121/187 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số phát triển con người và thuộc vào nhóm phát triển con người “trung bình.”
Việt Nam cần ưu tiên ứng phó với tổn thương từ những "cú sốc" ảnh 1Nâng cao khả năng chống trọi với những "cú sốc" trong cuộc sống cho người lao động. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

“Cấp độ phát triển con người tiếp tục tăng lên, tuy nhiên mức độ tăng lại đang có xu hướng chậm lại. Tại Việt Nam, tốc độ phát triển con người đã chậm hơn, từ mức tăng trung bình 1,7%/năm vào trước những năm 2000 xuống mức tăng hiện nay là còn 0,96%/năm.”

Đây là kết quả công bố tại Báo cáo Phát triển Con người Toàn cầu 2014 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện.

Theo Báo cáo này, năm 2013, Việt Nam đứng hạng thứ 121/187 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số phát triển con người và thuộc vào nhóm phát triển con người “trung bình.”

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc nhấn mạnh, Việt Nam là nước có thu nhập trung bình mới nổi với nền kinh tế hội nhập toàn cầu đồng thời luôn phải thích ứng với những biến đổi khí hậu và có vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực.

“Tại Việt Nam, thách thức chính sách hàng đầu là nâng cao khả năng đối phó với những cú sốc gây ra tổn thương cho con người và cần được xếp hạng ưu tiên như chính sách xóa đói giảm nghèo,” Bà Pratibha Mehta nói.

Bên cạnh đó, báo cáo năm nay cũng chỉ ra, hơn 2,2 tỷ người trên toàn cầu đang thiếu thốn các điều kiện về y tế, giáo dục và mức sống, trong đó có khoảng 1,5 tỉ người thiếu cả ba yếu tố trên, 80% dân số toàn cầu không được hưởng bảo trợ xã hội toàn diện, khoảng 12% hứng chịu nạn đói kinh niên.

Tại Việt Nam, con số trên là 50% người nghèo không có trợ cấp xã hội và chỉ có 20% người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Việt Nam dành ít hơn 1% GDP để trợ cấp xã hội cho người nghèo.

Về việc làm, gần một nửa trong tổng số lao động (hơn 1,5 tỷ người ) là lao động không chính thức hoặc lao động bấp bênh. Tại Việt Nam, con số này là khoảng 70% việc làm thuộc khu vực không chính thức, đây là bằng chứng cho thấy sự gia tăng của tình trạng phi chính thức hóa thị trường lao động hậu khủng hoảng.

Theo Báo cáo, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam ở mức thấp nhưng chất lượng việc làm mới là quan trọng. Những việc làm có năng suất, tạo ra giá trị gia tăng còn thấp, trong khi các công việc phi chính thức, công việc nhiều rủi ro lại chiếm đa số.

Tại Báo cáo, các chuyên gia phân tích nhận định, tiến bộ về phát triển con người đang bị đe dọa... Việc cân bằng hơn giữa các lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng thì vai trò của Chính phủ vẫn rất quan trọng, do những hành động cá nhân không thể giải quyết các rủi ro hệ thống.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, các quốc gia không chỉ cần các thị trường mà sự hành động tập thể và hàng hóa công có ý nghĩa sống còn. Do đó, để duy trì tiến bộ, các Chính phủ cần phải hành động và phải bảo vệ những thành tựu đạt được trước các rủi ro, xây dựng khả năng chống chịu đồng thời tập trung vào những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng là vấn đề then chốt .

Bà Pratibha Mehta cũng đưa ra những khuyến nghị chính sách đối với Việt Nan, cần ưu tiên phát triển con người, cải cách thị trường lao động, thúc đẩy quá trình phát triển kỹ năng và khả năng chiến đấu với hệ thống việc làm phi chính thức, trợ cấp xã hội tối thiểu đảm bảo sinh kế cơ bản cho con người…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục