Việt Nam-Canada: Phát huy tối đa các cơ hội hợp tác thương mại-đầu tư

Bằng cách tận dụng các FTA, đặc biệt là CPTPP và FTA ASEAN-Canada, Việt Nam và Canada có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của khu vực sôi động này, tạo nền tảng cho sự tăng trưởng và thịnh vượng chung.
Việt Nam-Canada: Phát huy tối đa các cơ hội hợp tác thương mại-đầu tư ảnh 1Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh trình bày tham luận tại Hội thảo sơ kết 5 năm thực hiện CPTPP. (Ảnh: Trung Dũng/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, ngày 24/10, Bộ Thương mại, Việc làm và Phát triển Kinh tế tỉnh Ontario đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Canada tổ chức hội thảo nhằm sơ kết 5 năm thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời thúc đẩy thương mại và đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh Canada triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Sự kiện này có sự tham gia của Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam và Hội Doanh nhân Canada gốc Hoa, đồng thời thu hút đông đảo các doanh nghiệp Canada muốn đầu tư vào Việt Nam và các quan chức đại diện cho nhiều bộ, ngành trong chính quyền tỉnh Ontario.

Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Canada (1973-2023).

Trong phát biểu khai mạc, Quốc vụ khanh phụ trách Xúc tiến xuất khẩu, Thương mại quốc tế và Phát triển kinh tế Ontario Maninder Sidhu cho biết ông rất vui mừng khi được tham gia thảo luận về các biện pháp giúp Canada và Việt Nam tăng cường và tận dụng tối đa những cơ hội mà hai bên đang có trong quan hệ thương mại đầu tư.

Theo ông, đây là thời điểm tốt khi Canada và ASEAN vừa nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và đang xúc tiến một hiệp định thương mại tự do (FTA).

Việt Nam hiện được đánh giá là đối tác quan trọng của Canada tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và cũng đang là điểm đến hàng đầu đối với hàng hóa Canada trong khu vực, với tốc độ tăng trưởng 7% trong 30 năm qua.

Việt Nam còn được coi là có vai trò cửa ngõ để các công ty Canada có thể tiến vào ASEAN.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Ottawa, ông Sidhu cho rằng khi đề cập tới Việt Nam, cần phải nhắc tới là mối giao lưu nhân dân và cộng đồng người Việt ở Canada (hiện khoảng 300.000 người).

Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp Canada rất quan tâm. Trong thời gian tới, phái đoàn do Bộ trưởng Thương mại Canada Mary Ng dẫn đầu sẽ đến Việt Nam và điều này cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế của Canada, khi nước này đang triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trị giá 2,3 tỷ CAD (hơn 1,67 tỷ USD).

Việt Nam-Canada: Phát huy tối đa các cơ hội hợp tác thương mại-đầu tư ảnh 2Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Vinh Quang trao đổi với Quốc vụ khanh phụ trách Xúc tiến xuất khẩu, Thương mại Quốc tế và Phát triển kinh tế Ontario Maninder Sidhu về quan hệ song phương. (Ảnh: Trung Dũng/TTXVN)

Theo Trợ lý Thứ trưởng Thương mại, Việc làm và Phát triển kinh tế tỉnh Ontario Corie McDougall, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Ontario sang Việt Nam trong năm 2022 đạt 173 triệu CAD, tăng hơn gấp đôi so với 10 năm trước.

Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Việt Nam của Ontario cũng tiếp tục tăng. Trong năm 2022, tỉnh Ontario đã nhập khẩu gần 7,3 tỷ CAD hàng hóa từ Việt Nam. Con số này gấp đôi mức nhập khẩu so với 5 năm trước và tăng gấp 10 lần so với năm 2012.

[Việt Nam - Cầu nối để các doanh nghiệp Canada vào ASEAN]

Động lực quan hệ thương mại của Canada với 11 nước trong CPTPP đặc biệt bùng nổ sau 5 năm thực thi hiệp định này và đã tăng 23% vào năm 2022.

Việt Nam hiện nằm trong danh sách 10 đối tác thương mại lớn nhất của Canada nhờ CPTPP.

Cuộc họp Ủy ban Kinh tế hỗn hợp Việt Nam-Canada lần thứ 2 và phái đoàn thương mại do Bộ trưởng Thương mại Canada dẫn đầu tới Việt Nam năm 2024 chắc chắn sẽ góp phần tạo ra tiềm năng to lớn cho doanh nghiệp của hai nước.

Việt Nam-Canada: Phát huy tối đa các cơ hội hợp tác thương mại-đầu tư ảnh 3Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Vinh Quang phát biểu tại Hội thảo sơ kết 5 năm thực hiện CPTPP. (Ảnh: Trung Dũng/TTXVN)

Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Vinh Quang cho biết Việt Nam và Canada là thành viên của CPTPP, khối thương mại đại diện cho 500 triệu người với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 13.500 tỷ CAD, đã mang lại những cơ hội mới cho quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Bằng cách tận dụng các FTA, đặc biệt là CPTPP và FTA ASEAN-Canada đang được đàm phán, hai bên có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của khu vực sôi động này và tạo nền tảng cho sự tăng trưởng và thịnh vượng chung.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Chủ tịch Hội Doanh nhân Canada gốc Hoa Yvonne Chan cho biết có rất nhiều cơ hội để Canada và Việt Nam hợp tác cùng nhau, đặc biệt là việc tận dụng Việt Nam như cửa ngõ để vào ASEAN.

Việt Nam, với tư cách là một thành viên tích cực của ASEAN, đang là trung tâm của một khu vực hội nhập nhanh chóng với hơn 680 triệu người tiêu dùng.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang mang đến một thị trường rộng lớn với những cơ hội đa dạng trên nhiều lĩnh vực.

Tại hội thảo, các mối quan tâm về thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp Canada đã được Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam Trần Thu Quỳnh giải đáp đầy đủ.

Đó là chính sách thu hút đầu tư công nghiệp của Việt Nam trong tương quan so sánh với các nước ASEAN và những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng để tăng cường kết nối giữa hai bờ Thái Bình Dương về hàng không, hàng hải, năng lượng, viễn thông.

Bà Trần Thu Quỳnh đánh giá Ontario là tỉnh đóng góp tới 40% GDP của Canada và cũng là nơi tập trung những tập đoàn cùng quỹ đầu tư lớn.

Thông qua hội thảo này, các tập đoàn, quỹ đầu tư của Canada sẽ quan tâm nhiều hơn tới Việt Nam và thông qua Việt Nam để tiếp cận thị trường ASEAN.

Sự kiện lần này rất thành công bởi không chỉ thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia trực tiếp mà còn thu hút nhiều doanh nghiệp trên khắp Canada tham gia trực tuyến.

Điều này cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp Canada đối với việc mở rộng sang thị trường châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh Canada sắp ký kết FTA với ASEAN và đang xúc tiến Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục