Việt Nam có 2 phim tranh giải chính thức Liên hoan phim Quốc tế ASEAN

Tại Liên hoan Phim Quốc tế ASEAN năm nay, Việt Nam có 2 đại diện tranh giải chính thức gồm "Memento Mori: Đất," đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ và phim “Đêm tối rực rỡ” của đạo diễn Aaron Toronto.
Việt Nam có 2 phim tranh giải chính thức Liên hoan phim Quốc tế ASEAN ảnh 1Một cảnh trong phim "Đảo của dân ngụ cư."

Ngày 17/7, thông tin từ nghệ sỹ, diễn viên Hồng Ánh, đạo diễn phim “Đảo của dân ngụ cư,” cho biết Liên hoan Phim Quốc tế ASEAN (ASEAN International Films Festival & Awards)-AIFFA 2023 chính thức trở lại sau 2 năm chờ đợi.

Đạo diễn-diễn viên Hồng Ánh là đại diện của Việt Nam góp mặt trong Hội đồng Giám khảo. Điện ảnh Việt Nam có 2 bộ phim lọt vào vòng tranh giải chính thức.

Thông tin từ Ban Tổ chức cho biết tại mùa giải năm nay, Liên hoan Phim Quốc tế ASEAN có 120 phim tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đăng ký tham gia. Lễ khai mạc sẽ được tổ chức tại đảo Kuching, Sarawak, Malaysia vào ngày 2/8 tới.

Trong số 5 thành viên của Hội đồng Giám khảo Liên hoan Phim Quốc tế ASEAN năm nay, có gương mặt quen thuộc của điện ảnh Việt Nam: đạo diễn-diễn viên Hồng Ánh. Các thành viên còn lại bao gồm: U-Wei Bin Haji Saari (Trưởng Ban Giám khảo-Malaysia), Ihsan Nurullah Kabil (Giám khảo Quốc tế-Thổ Nhĩ Kỳ), Viva Westi (Indonesia) và Effendee Mazlan (Malaysia).

Chia sẻ trước ngày lên đường chấm giải, đạo diễn-diễn viên Hồng Ánh cho biết chị thấy rất vinh dự khi được mời làm thành viên Hội đồng Giám khảo của Liên hoan Phim Quốc tế ASEAN 2023.

[LHP quốc tế Karlovy Vary 57: Các bộ phim tâm lý xã hội thắng lớn]

“Đảo Kuching là một một vùng đất thú vị. Đây cũng là nơi đánh dấu sự thừa nhận của giới chuyên môn điện ảnh quốc tế cho vai trò đạo diễn của tôi trong bộ phim đầu tay “Đảo của dân ngụ cư.” Với tôi, đây thực sự là một cuộc “trở về.” Có khá nhiều cảm xúc trong tôi, cả một chút hồi hộp lẫn háo hức. Đặc biệt, khi các bộ phim Việt Nam góp mặt trong liên hoan phim lần này đều đến từ những nhà làm phim mà tôi quý trọng,” đạo diễn-diễn viên Hồng Ánh chia sẻ.

Tại Liên hoan Phim Quốc tế ASEAN năm nay, Việt Nam có 2 đại diện góp mặt trong vòng tranh giải chính thức gồm "Memento Mori: Đất," đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ và phim “Đêm tối rực rỡ” của đạo diễn Aaron Toronto.

Trong đó, bộ phim “Memento Mori: Đất” của đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ là bộ phim tâm lý, gia đình có chủ đề về các bệnh nhân ung thư cận tử, được công chiếu tại Việt Nam vào tháng 10/2022.

Bối cảnh của phim là khu dân cư của người lao động nghèo ở vùng cao nguyên với câu chuyện về một gia đình có người mắc bệnh ung thư. Chị Vân, người phụ nữ chấp nhận căn bệnh ung thư của mình đã vào giai đoạn cuối và tìm nhiều cách để kết nối, nhắn gửi tới những người thân gồm bố đẻ, chồng và các con. Bên cạnh đó, cô cũng quyết tâm thực hiện nguyện vọng hiến tạng cho y học - một việc làm chưa phổ biến và còn chịu nhiều định kiến trong xã hội.

Bộ phim “Đêm tối rực rỡ” có nội dung về nạn bạo hành gia đình ở Việt Nam. Phim do đạo diễn người Mỹ Aaron Toronto cùng vợ là diễn viên Nhã Uyên, đồng thời là nữ chính kiêm biên kịch phim thực hiện.

Việt Nam có 2 phim tranh giải chính thức Liên hoan phim Quốc tế ASEAN ảnh 2Câu chuyện của ''Đêm tối rực rỡ' diễn ra chỉ vỏn vẹn trong đêm cuối cùng của một tang lễ.

Chuyện phim xoay quanh một đêm tang gia của gia đình ông Toàn (Kiến An). Ông có ba con: Kim Hoàng (Vũ Xuân Trang), Xuân Thanh (Nhã Uyên) và Kim Bảo (Kim B).

Ba người trở về nhà làm đám tang ông nội sau nhiều năm không gặp. Mỗi người một hoàn cảnh: Bị trầm cảm, ly dị chồng đại gia và giành quyền nuôi con gái, từng bỏ nhà, nghiện ngập... Giữa đám tang, ông Toàn thú nhận nợ nhiều tiền và cần trả trước 6 giờ sáng hôm sau để không bị xã hội đen giết. Các con đùn đẩy nhau vì mỗi người đều có uẩn khúc. Buổi tối trở thành quả bom nổ chậm với gia đình ông Toàn.

Đạo diễn Aaron Toronto sống ở Việt Nam 16 năm, nghiên cứu về tập tục làm tang lễ của người miền Nam nhiều năm trước khi thực hiện phim. Phim từng đoạt giải Cánh diều Vàng năm 2022; đoạt hai giải: Câu chuyện xuất sắc (Best story) và Nữ diễn viên xuất sắc (Best performance female) dành cho Nhã Uyên tại Santa Fe-Liên hoan Phim Độc lập ở Mỹ năm 2022. Phim từng là một trong những hiện tượng phòng vé Việt với doanh thu hơn 20 tỷ đồng, dù thuộc dòng phim độc lập, đề tài kén người xem.

Liên hoan Phim Quốc tế ASEAN (AIFFA) được tổ chức hai năm một lần, bắt đầu từ năm 2013. Sau đại dịch, phiên bản năm 2021 của Liên hoan Phim được thực hiện với hình thức trực tuyến ở quy mô nhỏ. Do đó, kỳ tổ chức lần thứ 6 của năm nay được kỳ vọng sẽ là sự trở lại rực rỡ, cả về quy mô lẫn chất lượng.

Nét mới của Liên hoan Phim Quốc tế ASEAN năm nay - AIFFA 2023 là Cuộc thi Phim Ngắn cho sinh viên các trường đại học với chủ đề: Mục tiêu Phát triển Bền Vững-Sustainable Development Goals (SDG). Tại lần tổ chức này, AIFFA 2023 sẽ trao12 giải thưởng chính thức dành cho các nhà làm phim Đông Nam Á.

Đêm Gala trao giải sẽ diễn ra vào ngày 4/8 tới.

Trước đó, cũng tại AIFFA, năm 2017, bộ phim “Đảo của dân ngụ cư” của đạo diễn Hồng Ánh đã gây tiếng vang lớn, xác lập kỷ lục của Liên hoan Phim khi giành 8 đề cử/9 hạng mục trao giải chính thức. Phim thắng lớn với 3 giải thưởng quan trọng, trong đó có Giải thưởng lớn dành cho Phim Hay nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục