Việt Nam có thể chọn mã BIN cho thẻ nội địa

Việt Nam có thể tự lựa chọn dải số mã BIN cho riêng mình và điều này không làm ảnh hưởng đến thanh toán thẻ của khách hàng.
Việt Nam hoàn toàn có thể tự lựa chọn dải số mã tổ chức phát hành thẻ (mã BIN) cho riêng mình và điều này không làm ảnh hưởng đến việc chi tiêu cũng như thanh toán qua thẻ của khách hàng. Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước khẳng định như vậy trước thông tin về việc thay đổi mã BIN cho các thẻ thanh toán nội địa. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Vietnam+ ngày 11/1, ông Tiên cho hay, việc trước đây các tổ chức phát hành thẻ tự chọn số, tự chọn độ dài mã BIN không theo quy chuẩn dẫn đến rất dễ trùng lắp trong giao dịch thẻ nội địa. Chưa kể đến, việc Việt Nam chấp nhận các giao dịch thẻ quốc tế và nước ngoài chấp nhận các giao dịch thẻ của Việt Nam cũng khiến dễ bị trùng lắp mã BIN. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước, theo nguyện vọng của các ngân hàng phát hành thẻ thông qua Hội thẻ, đã đứng ra nghiên cứu các thông lệ quốc tế và ra quy chế cấp mã BIN. Cụ thể, việc cấp mã BIN dựa trên tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 7812 - hệ thống tiêu chuẩn đưa ra mã nhận dạng duy nhất, giúp các tổ chức phát hành thẻ thực hiện các giao dịch thẻ phạm vi toàn cầu mà không bị trùng lắp. Theo hệ thống này, mã định danh quốc gia cho các tổ chức phát hành thẻ của Việt Nam là 9704. “Trên cơ sở đó, mã BIN mới có đầu số 9704xx, trong đó xx là số tự nhiên từ 00 đến 99 được Ngân hàng Nhà nước cấp cho các tổ chức phát hành thẻ theo nguyên tắc 'ai đến trước, cấp trước'. Hiện tại đã có 37 tổ chức phát hành được cấp mã BIN mới, theo đầu số 9704”, ông Tiên cho biết. Các ngân hàng tự lựa chọn thời điểm chuyển đổi sang mã BIN mới cho phù hợp dựa trên 3 yếu tố: Số lượng khách hàng, hạ tầng của ngân hàng và kinh phí. Mã BIN này được hiểu là “chứng minh thư” nhận dạng các tổ chức phát hành thẻ, với điểm nhận biết chính là 6 số đầu tiên trên dãy 16 số ở mặt trước của thẻ (trong đó 4 số đầu chính là mã số quốc gia của ngân hàng phát hành thẻ). Ví dụ, thẻ của Vietocmbank sau khi được cấp mã BIN mới sẽ là 9704 36xx xxxx xxxx (trong đó 10 số sau là mã thẻ của riêng ngân hàng cấp cho từng khách hàng). Liên quan đến việc đổi mã BIN này, gần đây dư luận “xôn xao” ngay sau khi Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) có thông báo đổi thẻ cho các khách hàng theo yêu cầu về chuẩn hóa mã BIN của Ngân hàng Nhà nước. Nhiều người băn khoăn việc chuyển đổi này có thể làm ảnh hưởng đến quá trình sử dụng thẻ và gây “tốn kém”... Thậm chí, có lo ngại "thị trường đứng trước nguy cơ phải đổi thẻ khi có trên 100 tổ chức phát hành tham gia”. Tuy nhiên, ông Tiên nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước đã lường trước được việc này và việc chuẩn hóa mã BIN cho các tổ chức phát hành thẻ là việc làm cấp thiết trong bối cảnh ngày càng nhiều ngân hàng tham gia kết nối hệ thống thẻ với nhau và điều này cũng phù hợp với xu hướng hội nhập trong lĩnh vực thẻ. “Đây là việc làm hết sức bình thường, không có gì là ‘giật cục’ và đột xuất cả. Hơn nữa, ‘độ trễ’ của Quyết định 38 (về đổi mã BIN) là 3 năm rưỡi nên việc các ngân hàng tiến hành đổi thẻ là có lộ trình tương đối dài và không làm xáo trộn tới khách hàng”, ông Tiên khẳng định. Mặt khác, cũng theo ông Tiên, trong số khoảng gần 100 ngân hàng và định chế tài chính hoạt động tại thị trường Việt Nam, hiện mới có 44 tổ chức tham gia phát hành thẻ nên việc cấp mã BIN cho các tổ chức này theo dải số 9704... là “thoải mái”. “Tuy nhiên, nếu các tổ chức phát hành thẻ mà vượt quá con số 100 thì chúng tôi cũng sẽ làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ để bổ sung dải số khác, các thẻ được cấp mã BIN theo Quyết định 38 không phải đổi lại. Sở dĩ chúng tôi lựa chọn dải số 9704 đầu tiên vì đó là mã quốc gia của Việt Nam nên có thuận lợi hơn khi giao dịch thẻ nội địa ngoài biên giới sẽ không bị trùng lắp với các nước khác”, ông Tiên nói. Ông Tiên cũng cho biết thêm, liên quan đến lĩnh vực thẻ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã giao Vụ Thanh toán trong quý 1/2010 xây dựng đề cương cụ thể về phương án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng đang dự kiến xây dựng các quy định về tiêu chí (điều kiện cần và đủ) đối với việc cấp phép cho một tổ chức tín dụng được phát hành thẻ thanh toán./.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến nay các tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã phát hành được gần 21 triệu thẻ thanh toán các loại; trong đó 97% là thẻ ghi nợ, 1,5% là thẻ tín dụng và 1,5% là thẻ trả trước. Cũng trong tổng số thẻ đã phát hành này, thẻ nội địa chiếm tới 94,3%.

Cả nước hiện có xấp xỉ 9.500 máy rút tiền tự động (ATM) và trên 33.500 điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS).
Anh Quân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục