Việt Nam cùng Ấn Độ mở rộng trao đổi thương mại song phương

Với tốc độ phát triển nhanh chóng và đang trên đà trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD vào năm 2027, Ấn Độ được coi là đối tác kinh doanh tiềm năng và đáng tin cậy của Việt Nam.
Việt Nam cùng Ấn Độ mở rộng trao đổi thương mại song phương ảnh 1Doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ Thương mại Quốc tế Ấn Độ lần thứ 41. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 11/10, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Mumbai (Ấn Độ), ông Lê Quang Biên, đã hoan nghênh sáng kiến Sứ mệnh Kết nối Thương mại Toàn cầu 84 của Phòng Thương mại và Công nghiệp miền Nam bang Gujarat (SGCCI - Ấn Độ) nhân kỷ niệm 84 năm ngày thành lập SGCCI (1940-2024).

Là mục tiêu phấn đấu chào mừng kỷ niệm 84 năm thành lập, Sứ mệnh Kết nối Thương mại Toàn cầu 84 nhằm tăng cường quan hệ kinh doanh của Ấn Độ với 84 quốc gia, dự kiến sẽ kết nối khoảng 84.000 doanh nhân trẻ tài năng của Ấn Độ và trên toàn cầu.

Sứ mệnh 84 cũng đang hướng tới việc thống nhất 84 Phòng Thương mại Ấn Độ và các đối tác quốc tế của họ, từ đó tạo ra một nền tảng thống nhất cho tương tác kinh doanh quốc tế.

Để đạt được mục tiêu này, SGCCI sẽ cần đến sự kết nối với Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán của 84 quốc gia để cung cấp cho các doanh nhân những hiểu biết toàn diện về luật và quy định kinh doanh tương ứng của các nước.

Phát biểu tại buổi gặp mặt và làm việc với SGCCI, Tổng Lãnh sự Lê Quang Biên đánh giá cao dự án Sứ mệnh 84 của SGCCI, coi đây là một nỗ lực mang tính đổi mới, tạo sự khác biệt so với các phương pháp tiếp cận thông thường. Ông nhấn mạnh rằng các doanh nhân gắn liền với dự án này sẽ thu được lợi ích không chỉ ở Ấn Độ mà còn trên phạm vi toàn cầu. Theo đó, đây cũng là cơ hội cho các doanh nhân Việt Nam thúc đẩy quan hệ giao thương không chỉ với các doanh nhân Ấn Độ mà với cả cộng đồng doanh nghiệp thế giới.

Tổng Lãnh sự Lê Quang Biên chỉ ra rằng Việt Nam coi trọng cơ hội hợp tác giao thương, trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân với Ấn Độ, đồng thời cho biết Việt Nam có rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn và ngày càng trở thành địa điểm yêu thích để tổ chức đám cưới của người Ấn Độ, trong đó có Phú Quốc được miễn yêu cầu thị thực.

Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có chuyến bay thẳng giữa thành phố cảng Surat của bang Gujarat và Việt Nam để tạo điều kiện cho việc đi lại và kết nối giao thương dễ dàng hơn.

[Đông Bắc Ấn Độ và Việt Nam sở hữu tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế]

Theo Tổng Lãnh sự Lê Quang Biên, với tốc độ phát triển nhanh chóng và đang trên đà trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD vào năm 2027, Ấn Độ được coi là đối tác kinh doanh tiềm năng và đáng tin cậy của Việt Nam.

Ông lưu ý rằng cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư giữa Ấn Độ và Việt Nam là rất lớn, cả hai nước đều có nhiều doanh nhân trẻ và năng động, điều này có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp kinh doanh tuyệt vời giữa hai quốc gia.

Cũng tại sự kiện này, ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ Kết nối Doanh nhân Việt Nam-Quốc tế (có mạng lưới thành viên gồm 7.000 doanh nhân ở Việt Nam và nhiều quốc gia), đã đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa các doanh nhân Việt Nam với các nhà sản xuất công nghiệp ở Surat, theo đó mong muốn tăng cường hợp tác với SGCCI để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối doanh nghiệp thành viên của hai bên cũng như trao đổi các sản phẩm và ý tưởng.

Để hướng tới mục tiêu này, Câu lạc bộ Kết nối Doanh nhân Việt Nam-Quốc tế và SGCCI đã thực hiện ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU).

Tình hình chính trị-xã hội ổn định, nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao, nguồn nhân lực trẻ, tay nghề cao dồi dào và vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu là những điểm nổi bật giúp Việt Nam trở thành đối tác lý tưởng cho Ấn Độ trong lĩnh vực đầu tư, kết nối giao thương, trao đổi văn hóa và du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục