Việt Nam đã sẵn sàng cho kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế

Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 năm 2014, lần đầu tiên do Việt Nam đăng cai tổ chức, sẽ chính thức khai mạc sáng 21/7, tại thủ đô Hà Nội.
Việt Nam đã sẵn sàng cho kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế ảnh 1Giáo sư, tiến sỹ khoa học Bùi Duy Cam. (Ảnh: Việt Hà/Vietnam+)

Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 năm 2014 sẽ chính thức khai mạc sáng 21/7, tại thủ đô Hà Nội. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam đăng cai tổ chức kỳ thi này.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với giáo sư, tiến sỹ khoa học Bùi Duy Cam, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trưởng Ban tổ chức kỳ thi Hóa học quốc tế lần thứ 46 về những nét cơ bản của kỳ thi cũng như công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Việt Nam.

- Xin ông cho biết những thông tin cơ bản về quy mô và tầm vóc của kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam?

- Giáo sư, tiến sỹ khoa học Bùi Duy Cam: Có thể nói, đến thời điểm này, Ban tổ chức hết sức vui mừng khi được đón số lượng lớn các quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Olympic Hóa học lần thứ 46 năm nay.

Kỳ thi có 77 nước tham gia, trong đó 75 nước có đoàn học sinh dự thi, với tổng số 291 em và 2 nước là quan sát viên. Số lượng các thầy cô đi cùng các đoàn gần 250 người. So với kỳ thi năm 2013 tổ chức tại Liên bang Nga thì số đoàn có học sinh tham dự năm nay tăng 2 nước.


Kỹ năng thực hành của học sinh Việt Nam đã nâng lên


- Tính đến nay, Việt Nam đã bao nhiêu lần tham dự kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế và ấn tượng về đoàn Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, thông qua các kỳ thi này như thế nào, thưa ông?

- Giáo sư, tiến sỹ khoa học Bùi Duy Cam: Đoàn của Việt Nam tham dự Olympic Hóa học quốc tế lần đầu tiên vào năm 1996. Từ đó đến nay, chúng ta đã có 19 năm tham dự liên tục các cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế. Giai đoạn đầu, thành tích của chúng ta chưa tốt, một trong những nguyên nhân do trình độ kỹ năng về thực hành của học sinh Việt Nam còn hạn chế. Tuy nhiên, những năm gần đây, thành tích của đội tuyển Việt Nam rất đáng tự hào.

Năm 2005, đoàn Việt Nam thi tại Đài Loan đã đạt 3 huy chương vàng; năm 2013, tham dự kỳ thi lần thứ 45 tại Liên bang Nga, đoàn Việt Nam có 4 học sinh nhưng đã đạt 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc.

Trong mắt bạn bè quốc tế, đặc biệt thông qua kỳ thi Olympic, đội tuyển Việt Nam có thành tích rất cao so với các nước tham dự. Thành tích của các nước trong khu vực châu Á cũng khá cao so với các khu vực khác.

Riêng đối với trường Đại học Khoa học tự nhiên, học sinh khối Trung học phổ thông chuyên của trường có khá nhiều em tham dự kỳ thi. Ngay từ những năm đầu tiên, đã có em đạt huy chương vàng, huy chương bạc. Có em hiện đã trở thành giảng viên của nhà trường. Chúng tôi rất tự hào về thành tích của các em tham gia đội tuyển.

Hiện nay, trong xu hướng phát triển chung của ngành giáo dục, Việt Nam đã không chỉ chú ý đến lý thuyết mà bắt đầu đẩy mạnh sang bồi dưỡng kỹ năng thực hành cũng như kỹ năng nghiên cứu khoa học. Tôi cho rằng, đây là bước chuyển mạnh của ngành, đặc biệt là ở bậc Trung học phổ thông.

Giới thiệu hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế


- Ông có thể điểm qua những sự kiện chính sẽ diễn ra trong suốt một tuần hoạt động của Olympic Hóa học quốc tế 2014?

- Giáo sư, tiến sỹ khoa học Bùi Duy Cam: Kỳ thi sẽ diễn ra từ ngày 20/7-29/7. Nội dung hoạt động chính gồm hai phần. Phần thứ nhất là phần chuyên môn, học sinh sẽ tham dự thi hai môn lý thuyết và thực hành. Môn thi thực hành diễn ra vào ngày 23/7, môn thi lý thuyết vào ngày 25/7.

Ngoài hoạt động chính là thi chuyên môn, Ban tổ chức sẽ tổ chức cho các thầy, cô giáo và học sinh các nước tham dự các hoạt động văn hóa thể thao và tham quan du lịch. Đây là một trong những mục tiêu của Ủy ban Olympic quốc tế cũng như mục tiêu của Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là qua những hoạt động ấy, chúng ta sẽ giới thiệu những địa danh, danh lam thắng cảnh và đất nước con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

- Đón 77 đoàn đến từ 77 quốc gia và vùng lãnh thổ là một lượng công việc khổng lồ. Trong đó, công tác xây dựng đề thi, chấm thi đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và rất chuyên nghiệp. Ông có thể cho biết về quá trình xây dựng đề thi do Việt Nam chủ trì?

- Giáo sư, tiến sỹ khoa học Bùi Duy Cam: Theo quy định của Ủy ban Olympic Hóa học quốc tế thì nước chủ nhà vào tháng 1 hàng năm phải giới thiệu cho các đoàn quốc tế tối thiểu 25 đề thi lý thuyết và 5 đề thi thực hành để tham khảo. Chúng ta đã giới thiệu 29 đề thi lý thuyết và 7 đề thi thực hành.

Sau thời gian quy định, Việt Nam gửi hồ sơ đến các đoàn và trên cơ sở đó, các đoàn đánh giá, rà soát, bình luận, góp ý cho các đề thi. Sau đó, các ban đề chuyên môn của Việt Nam sẽ chuẩn bị một đề chính thức.

Cho đến thời điểm này, bộ đề chính thức gồm môn thi lý thuyết và thi thực hành đã được dịch sang tiếng Anh hoàn chỉnh. Ngày 21/7, Ban tổ chức có trách nhiệm chuyển đề, giới thiệu đề cho các trưởng đoàn và các trưởng đoàn có trách nhiệm nghiên cứu, thảo luận.

Tối 21/7, sẽ diễn ra phiên họp của Hội đồng giám khảo quốc tế, trong đó, nước chủ nhà là Chủ tịch Hội đồng, các thành viên gồm Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế và trưởng đoàn các quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự sẽ cùng thảo luận về đề thi đã được giới thiệu.

Sau đó, các thành viên của Hội đồng sẽ biểu quyết, với tỷ lệ 75% các thành viên đồng ý thì đề đó sẽ được thông qua. Chúng ta sẽ hoàn chỉnh đề thi và chuyển đề bằng tiếng Anh cho tất cả các đoàn. Các đoàn có trách nhiệm dịch đề sang tiếng của nước đó.

- Với vai trò là nước chủ nhà, ông có thể cho biết, đến thời điểm này, công việc chuẩn bị cho sự kiện giáo dục tầm vóc quốc tế, được đánh giá là sự kiện lớn nhất trong năm của ngành giáo dục tại Việt Nam, hiện như thế nào?

- Giáo sư, tiến sỹ khoa học Bùi Duy Cam: Theo Đề án, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị chủ trì và trường Đại học sư phạm Hà Nội là đơn vị phối hợp tổ chức kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế.

Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề nên chúng tôi thể hiện tinh thần quyết tâm rất cao để chuẩn bị tất cả các yêu cầu theo điều lệ của Ủy ban Olympic quốc tế đối với nước chủ nhà. Tính đến thời điểm này, các công việc chuẩn bị tương đối hoàn thành từ cơ sở vật chất cho lễ khai mạc, bế mạc, cho các phòng thi và nơi ăn ở của các thầy cô giáo, học sinh tương đối thuận lợi.

Có thể nói, đó là một điều hết sức thuận lợi cho kỳ thi này. Chúng tôi kỳ vọng, với sự nỗ lực của toàn thể các thành viên trong ban tổ chức và sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi Olympic lần này sẽ thành công.

Chúng tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt nhất tới 77 nước, vùng lãnh thổ tham dự kỳ thi lần này. Chúng tôi mong muốn bạn bè, thầy cô, học sinh quốc tế đến Việt Nam sẽ có những ấn tượng tốt đẹp không chỉ vì khâu chuẩn bị chu đáo mà còn được hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam - một đất nước tươi đẹp với những con người hiếu khách và yêu chuộng hòa bình.

- Xin cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục