Việt Nam đã tham gia hầu hết Công ước về quyền con người

Hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện, thể chế hóa chính sách bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Chiều 10/12, tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội nghị với chủ đề “Các Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền con người - Vai trò của Quốc hội.”

Tham dự hội nghị có các thành viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, ông Ngô Đức Mạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhấn mạnh là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế quan trọng, cốt lõi về quyền con người. Đó là Công ước quốc tế xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc, Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước quốc tế về quyền trẻ em; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tham gia nhiều văn kiện của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về quyền của người lao động và tích cực tham gia trong nhiều cơ chế đối thoại nhân quyền đa phương và song phương khác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Đức Mạnh cho biết trong thời gian qua, nhờ thành công của công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, quyền con người và quyền công dân không ngừng được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế.

Hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện, thể chế hóa chính sách bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Đặc biệt, kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp mới năm 2013 là cơ sở chính trị pháp lý, tiền đề quan trọng tái khẳng định, đề cao và quy định quyền con người một cách đầy đủ, toàn diện nhất vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Cũng tại hội nghị, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu, trong báo cáo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát trong năm 2014, Việt Nam đã chấp thuận nhiều kiến nghị bao gồm hội nhập mạnh mẽ vào bộ máy bảo vệ nhân quyền quốc tế, bảo vệ và đảm bảo tự do ngôn luận, tự do lập hội, giảm số tội danh có hình phạt tử hình, cải thiện hệ thống pháp luật và tư pháp; đồng thời tiếp tục tập trung vào nhóm dễ bị tổn thương, nâng cao bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo và tiếp cận với các dịch vụ cơ bản.

Bà Pratibha Mehta nhấn mạnh Liên hợp quốc tại Việt Nam cam kết hỗ trợ các nỗ lực của quốc gia nhằm bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền thông qua Kế hoạch Một Liên hợp quốc giai đoạn 2012-2016.

Bà Pratibha Mehta đề xuất sự hỗ trợ từ hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam nhằm thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức, cung cấp tư vấn kỹ thuật về kinh nghiệm từ khắp nơi trên thế giới tới Quốc hội như một cách thức để hỗ trợ chức năng lập pháp và giám sát của Quốc hội trong việc tăng cường quyền con người ở Việt Nam.

Tại hội nghị, các chuyên gia quốc tế và trong nước cùng nhau chia sẻ thông tin và kiến thức về cách thức Quốc hội các nước tham gia bảo vệ quyền con người thông qua các kỳ rà soát định kỳ phổ quát; trao đổi các nội dung cơ bản về hệ thống các Điều ước quốc tế về Quyền con người mà Việt Nam là thành viên; Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát; sự tham gia của Quốc hội vào các hoạt động sau Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát; hoàn thiện các quy định của pháp luật về Quyền con người…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục