Trong hai ngày 28 và 29/7, Kiểm toán nhà nước Việt Nam tham dự Cuộc họp cấp cao lần thứ 6 của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI), do Kiểm toán nhà nước Malaysia làm Chủ tịch ASEANSAI giai đoạn 2020-2021 chủ trì.
Đại diện cho phía Việt Nam, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung làm Trưởng đoàn tham gia họp trực tuyến cùng chín thành viên khác của ASEANSAI, bao gồm các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan.
Thích ứng với tình hình mới
Ông Bahtiar Arif, Trưởng Ban Thư ký ASEANSAI hoan nghênh và đánh giá cao sự tham gia của các thành viên. Ông cho biết ASEANSAI lần thứ 6 sẽ thảo luận các vấn đề chiến lược, liên quan đến sự phát triển của tất cả các SAI thành viên cũng như liên quan tới hoạt động của các Chính phủ các nước Đông Nam Á.
[Thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước đạt 2.165 tỷ đồng trong bảy tháng]
Ông Bahtiar Arif cũng nhấn mạnh từ khi thành lập vào năm 2011, ASEANSAI đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tăng cường năng lực của các SAI thành viên và hợp tác kỹ thuật để xử lý các vấn đề quan trọng và những chủ đề kiểm toán quan tâm chung.
“Tôi tin tưởng rằng, với sự tham gia nhiệt tình của tất cả các SAI, cuộc họp cấp cao lần thứ 6 sẽ đạt được các mục tiêu đưa ra, đóng góp mạnh mẽ cho cộng đồng ASEANSAI, Tổ chức Quốc tế Các cơ quan Kiểm toán Tối cao (INTOSAI), từ đó thúc đẩy quản trị tốt và trách nhiệm giải trình tại khu vực cũng như xây dựng được mối quan hệ hợp tác cùng có lợi, mang tính xây dựng với các bên liên quan,” Trưởng Ban Thư ký ASEANSAI nói.
Tại cuộc họp, ông Datuk Nik Azman bin Nik Abdul Majid, Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia, Chủ tịch ASEANSAI giai đoạn 2020-2021 nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, cũng như các hoạt động cốt lõi của các SAI.
Do đó, để thích ứng với tình hình mới, ASEANSAI cần tập trung vào quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và sử dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng lực của mỗi cơ quan và các kiểm toán viên. ASEANSAI cần tập trung vào các yêu cầu của nền kinh tế số liên quan đến quản trị dữ liệu, an ninh mạng, khuôn khổ pháp lý và năng lực thể chế; cần tăng tốc số hóa, đặc biệt là đối với các công nghệ mới; phải đổi mới, xây dựng kết nối kỹ thuật số và tối đa hóa việc sử dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển các kế hoạch hành động cụ thể.
“Trong tình hình mới, tất cả các chính phủ, doanh nghiệp cũng như các SAI cần phải làm việc tập thể để tạo ra những thay đổi mang tính hệ thống cần thiết cho khu vực vì một tương lai bền vững và linh hoạt. Để hỗ trợ việc đạt được chiến lược này, các ưu tiên của ASEANSAI sẽ tập trung vào các chương trình bền vững kết hợp giữa các hoạt động trực tuyến và trực tiếp,” Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia phát biểu.
Bổ sung tầm nhìn trong bối cảnh bất ổn
Thay mặt Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, bà Hà Thị Mỹ Dung cảm ơn sự hỗ trợ của các thành viên ASEANSAI trong thời gian qua. Theo đó Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã hoàn thành trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2020-2021. Ngoài ra, các thành viên ASEANSAI đã tin tưởng và tín nhiệm để Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược nhiệm kỳ 2022-2023.
“Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cam kết mạnh mẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành trách nhiệm của mình, tham gia tích cực các hoạt động chung, nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa các thành viên, góp phần thực hiện thắng lợi sứ mệnh và các mục tiêu đã đưa ra của cộng đồng ASEANSAI,” Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam khẳng định.
Đại diện Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cho biết ASEANSAI đã xây dựng 3 kế hoạch chiến lược cho các giai đoạn 2012-2013, 2014-2017 và 2018-2021. Nhờ có kế hoạch này, ASEANSAI đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp với sự phát triển ổn định, từ đó giúp tăng cường năng lực của các SAI thành viên, thúc đẩy quản trị tốt và trách nhiệm giải trình tại khu vực và xây dựng được mối quan hệ hợp tác cùng có lợi, mang tính xây dựng với các bên liên quan.
Dự thảo Kế hoạch chiến lược ASEANSAI 2022-2025 bao gồm 6 phần chính: Giới thiệu về ASEANSAI; Thông điệp của Chủ tịch ASEANSAI, Chủ tịch Ủy ban KHCL; Tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi; 04 mục tiêu chiến lược và 10 mục đích chiến lược và phụ lục về Ma trận thực hiện và Quản lý rủi ro.
Theo đại diện phía Việt Nam, so với giai đoạn 2018-2021, Kế hoạch chiến lược ASEANSAI 2022-2025 đã bổ sung tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi các nội dung về tính chuyên nghiệp, đổi mới, phản ứng nhanh trong môi trường hoạt động năng động và nhiều bất ổn hiện nay.
Bên cạnh đó, một điểm khác biệt rõ rệt của Kế hoạch chiến lược ASEANSAI 2022-2025 mới so với giai đoạn trước là cấu trúc và nội dung của mục tiêu và mục đích chiến lược được thiết kế dựa trên các chức năng của các Ủy ban và theo các trụ cột thuộc Khung đo lường hoạt động của các Cơ quan Kiểm toán tối cao.
Cụ thể, 4 mục tiêu chiến lược gồm: Tăng cường năng lực (thuộc Ủy ban Đào tạo); Chia sẻ kiến thức (thuộc Ủy ban Chia sẻ kiến thức); Hợp tác với các đối tác phát triển và nhà tài trợ (thuộc Ban Thư ký); Tăng cường quản trị nội bộ với mục đích: tăng cường chức năng và cơ cấu tổ chức (Ủy ban quy chế); tăng cường chức năng hỗ trợ trao đổi thông tin (Ban Thư ký); tăng cường quản lý tài chính (Ban Thư ký); tăng cường chức năng giám sát (Ủy ban Kế hoạch chiến lược)./.