Việt Nam đăng cai hội nghị ASEM về đa dạng văn hóa

Đại diện các nước thuộc Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) và nhiều quốc gia khác trên thế giới sẽ gặp gỡ tại Hà Nội để chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn tính đa dạng văn hóa trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa thương mại đang có những ảnh hưởng nhất định trên lĩnh vực văn hóa tới mọi quốc gia.

Đại diện các nước thuộc Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) và nhiều quốc gia khác trên thế giới sẽ gặp gỡ tại Hà Nội để chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn tính đa dạng văn hóa trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa thương mại đang có những ảnh hưởng nhất định trên lĩnh vực văn hóa tới mọi quốc gia.
 
Hội nghị trong hai ngày 15-16/12, với chủ đề “Bảo tồn và thúc đẩy tính đa dạng trong biểu đạt văn hóa: Chia sẻ kinh nghiệm Á-Âu” là hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ ASEM về đa dạng văn hóa do Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp tổ chức.
 
Hội nghị sẽ quy tụ học giả và các quan chức cấp cao, các nhà hoạch định chính sách cũng như những nhân vật nổi tiếng có ảnh hưởng lớn từ châu Âu và châu Á với các tham luận về các vấn đề liên quan tới tính đa dạng của biểu đạt văn hóa, như vấn đề chính sách công, giao lưu văn hóa, ảnh hưởng của thương mại đối với văn hóa và hành động chung để phát triển đa dạng văn hóa.
 
Phát biểu tại họp báo ngày 12/12, ông Sean Doyle, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam cho biết đa dạng văn hóa rất quan trọng vì nó thúc đẩy và phát huy “tính hội nhập, sự vị tha”, tăng cường hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia, các nền văn hóa khác nhau, từ đó cải thiện quan hệ giữa con người với con người cũng như giữa các quốc gia, các dân tộc.
 
“Việt Nam là quốc gia có một nền văn hóa đặc biệt đa dạng,” ông Sean Doyle nhận xét và cho rằng hội thảo hai ngày sắp tới sẽ là cơ hội cho Việt Nam để “phô trương sự giàu có phong phú về văn hóa” và chỉ ra cho thế giới thấy rằng Việt Nam đang hội nhập và mở cửa với thế giới.
 
Theo Cục trưởng Cục quan hệ quốc tế, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch Nguyễn Văn Tình, hội nghị là một dịp để kêu gọi các quốc gia trên thế giới thông qua công ước UNESCO 2005 về Bảo vệ và Phát huy tính đa dạng của Biểu đạt Văn hóa.
 
Công ước này được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) thông qua trong khóa họp lần thứ 33 vào tháng 10/ 2005 tại Paris và cho tới nay gần 200 nước trên thế giới đã ký công ước này. Tuy nhiên, công ước mới chỉ được gần 80 nước phê chuẩn, trong đó có Việt Nam.
 
Theo ông Tình, Việt Nam phê chuẩn công ước năm 2005 của UNESCO vì đây là một văn bản quốc tế, có giá trị pháp lý cao gần như các hiệp định khác của Liên hợp quốc nhằm đảm bảo các quốc gia, dân tộc được quyền tự do trong biểu đạt văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay của toàn cầu hóa, nhiều quốc gia hùng mạnh có thể dùng lợi ích kinh tế để áp đặt về mặt văn hóa đối với các nước khác. Văn bản pháp lý này cũng bảo đảm mọi quốc gia được quyền xây dựng các biện pháp, chính sách bảo vệ tính đa dạng văn hóa của mình, đặc biệt trong trường hợp các biểu đạt văn hóa bị đe dọa hoặc có nguy cơ biến mất hay hư hại nghiêm trọng./.
 
Hồng Nhung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục