Việt Nam-Đức đẩy mạnh hợp tác xử lý hóa chất tồn lưu trong đất

Thời gian tới, Bộ Môi trường-Bảo vệ thiên nhiên và An toàn hạt nhân (Cộng hòa liên bang Đức) sẽ tiếp hợp tác với cơ quan môi trường Việt Nam về xử lý các hóa chất tồn lưu trong đất.
Việt Nam-Đức đẩy mạnh hợp tác xử lý hóa chất tồn lưu trong đất ảnh 1Ô nhiễm môi trường tại nhiều khu công nghiệp vẫn còn nhức nối. (Ảnh: TTXVN)

Ô nhiễm môi trường do hóa chất tồn lưu trong đất là vấn đề rất phức tạp đối với Việt Nam - một trong những quốc gia từng trải qua nhiều “cuộc chiến bom đạn” và đang thiếu nhiều kinh nghiệm kỹ thuật và kinh phí cho việc xử lý các điểm hóa chất độc hại do chiến tranh để lại.

Thêm vào đó, quá trình phát triển công nghiệp nhanh, nhiều diện tích đất nông nghiệp được biến đổi thành khu công nghiệp, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển xanh, sạch của xã hội cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam về việc xử lý ô nhiễm từ đất đang có nguy cơ tiếp tục gia tăng.

Đây là một trong những nội dung chính được thảo luận tại hội Nghị “Đánh giá 10 năm hợp tác Đức-Việt trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường giai đoạn 2004-2014 và định hướng hợp tác giai đoạn tới” giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên và An toàn hạt nhân (Cộng hòa liên bang Đức) tổ chức sáng nay (21/10), tại Hà Nội.

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh, với sự giúp đỡ từ các chuyên gia xử lý môi trường của Cộng hòa liên bang Đức, đến nay Việt Nam đã đạt được một số kết quả trong công tác bảo vệ môi trường như trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quan trắc dioxin; quản lý các điểm hóa chất tồn lưu trong đất; đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường.

Trong suốt 10 năm qua, Bộ Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên và An toàn hạt nhân của Đức cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường đất; tăng cường năng lực về quản lý giám sát chất lượng đất, ô nhiễm môi trường đất tại Việt Nam cho Tổng cục Môi trường đồng thời thực hiện “mô hình thí điểm” về xử lý chất thải tồn lưu tại tỉnh Nam Định.

“Với sự hợp tác chặt chẽ trên, đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường (nhất là đất đai) tại các khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề và lưu vực sông tại các địa phương đang từng bước được đẩy lùi. Công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu của nước ta cũng đã có nhiều đổi mới,” Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến phấn khởi nói.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam và Đức sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như tăng cường hoạt động hợp tác trong lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường đất thông qua thực hiện dự án cụ thể về Dự án phát triển cây năng lượng để cải tạo các vùng đất bị ô nhiễm tại Việt Nam; xử lý ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật trong đất.

Ngoài ra, Việt Nam và Đức cũng sẽ tích cực hợp tác trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu như giảm thiểu sự phát tán khí nhà kính; đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật trong hoạt động khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước; tăng cường hỗ trợ nguồn vốn, công nghệ và nguồn nhân lực cho Việt Nam trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường…

Về phía đối tác, ông Gunther Adler, Thứ trưởng Bộ Môi trường-Bảo vệ thiên nhiên và An toàn hạt nhân (Cộng hòa liên bang Đức) nhấn mạnh, với kinh nghiệm của một đất nước công nghiệp phát triển, trong những năm tới, Đức sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là xử lý ô nhiễm hóa chất tồn lưu trong đất.

Ngoài ra, “Đức cũng sẽ hỗ trợ nguồn vốn, công nghệ và nguồn nhân lực cho Việt Nam trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, triển khai các dự án bảo vệ môi trường, phát triển xanh,” ông Gunther Adler nói.

Đến tham dự và chia sẻ tại hội nghị, bà Jutta Frasch, Đại sứ Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam khẳng định, qua 10 năm triển khai biên bản hợp tác, sự phối hợp giữa hai nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã ngày càng được thặt chặt. Kết quả triển khai cũng đã góp phần tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và sự hiểu biết lẫn nhau về các vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm.

Chính vì thế, Chính phủ Đức sẽ luôn ủng hộ các chương trình hợp tác giữa các bộ ngành của Đức và Việt Nam về bảo vệ môi trường trường. Thêm vào đó, Đức cũng sẽ chi một khoản kinh phí cho những nỗ lực bảo vệ môi trường ở Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục