Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Syria ứng phó COVID-19

Tại cuộc họp trực tuyến định kỳ hàng tháng của HĐBA, Việt Nam đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ cho Syria ứng phó COVID-19 đồng thời giải quyết vấn đề an ninh lương thực.
Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Syria ứng phó COVID-19 ảnh 1Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở Damascus, Syria, ngày 13/9/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 27/10 đã họp trực tuyến định kỳ hàng tháng về tình hình tại Syria.

Tại đây, Việt Nam đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ cho Syria ứng phó COVID-19 đồng thời giải quyết vấn đề an ninh lương thực.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại New York, Đặc Phái viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen và Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock đã báo cáo Hội đồng Bảo an về tiến trình chính trị và tình hình nhân đạo tại Syria.

Đặc phái viên Pedersen cho biết hiện chính phủ Syria và phe đối lập chưa có nhất trí về chương trình nghị sự và thời điểm tiến hành phiên họp tiến theo trong khuôn khổ Ủy ban Hiến pháp kể từ sau phiên họp lần thứ 3 vào cuối tháng 8.

Ông Pedersen thông báo ông vừa có chuyến công tác tại Damascus để gặp gỡ các bên cũng như đang tích cực duy trì duy trì vai trò cầu nối của Liên hợp quốc trên cơ sở Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an, với hy vọng có sự nhất trí về việc trở lại đàm phán trong tháng 11/2020.

[Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Syria chống COVID-19]

Trong bối cảnh đó, tình hình an ninh tiếp tục mong manh, giao tranh nhỏ lẻ giữa chính phủ và các nhóm khủng bố, cực đoan hay việc các nhóm vũ trang tấn công nhằm vào dân thường vẫn diễn ra gần như hàng ngày.

Về tình hình nhân đạo, Phó Tổng Thư ký Lowcock thông tin về chiều hướng xấu đi tại nhiều khu vực của Syria, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp.

Mặc dù hiện chỉ có hơn 5.000 ca mắc được Bộ Y tế Syria xác nhận nhưng con số thực tế có khả năng cao hơn rất nhiều do điều kiện xét nghiệm tại đây kém và tình trạng lây nhiễm cộng đồng hiện ở mức rất nghiêm trọng với 92% ca nhiễm không thể truy được nguồn gốc.

Khủng hoảng kinh tế tiếp tục ảnh hưởng nặng nề tới an ninh lương thực và cuộc sống của người dân Syria, trong đó giá lương thực tiếp tục tăng hơn 90% trong vòng 6 tháng qua và hàng hóa tiêu dùng thiếu thốn nghiêm trọng.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, bày tỏ lo ngại về những thách thức mà hàng triệu người dân Syria phải chịu đựng, đặc biệt là thương vong cho dân thường gây ra do xung đột, tác động của khủng hoảng kinh tế và COVID-19 tới tình hình nhân đạo.

Đại sứ nhấn mạnh hai nhu cầu cấp thiết nhằm hỗ trợ người dân Syria gồm tìm kiếm một giải pháp chính trị toàn diện và tăng cường viện trợ nhân đạo trong bối cảnh hiện nay.

Trong đó, Đại sứ kêu gọi các bên kiềm chế nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán và đối thoại tìm giải pháp chính trị.

Đại sứ cũng nhấn mạnh việc các bên cần có trách nhiệm bảo đảm viện trợ nhân đạo kịp thời và kêu gọi cộng đồng quốc tế chuẩn bị sẵn sàng cho nhu cầu nhân đạo tăng cao vào mùa đông sắp tới.

Định kỳ hàng tháng, Hội đồng Bảo an tổ chức các cuộc họp để thảo luận về tình hình Syria, trong đó có các nội dung về tiến trình chính trị, tình hình nhân đạo và vấn đề vũ khí hoá học.

Bất ổn và xung đột tại Syria hiện đã bước sang năm thứ 10, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất lịch sử với hàng trăm ngàn thương vong, hàng triệu người mất nơi cư trú và tị nạn./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục