Việt Nam không phải là một quốc gia giàu về nước

Việt Nam có đến 108 lưu vực sông với 3.450 sông, suối tương đối lớn nhưng chỉ có khoảng 37% lượng nước được sản sinh trong nước.
Việt Nam có đến 108 lưu vực sông với 3.450 sông, suối tương đối lớn và tổng lượng nước trung bình hàng năm khoảng 830-840 tỷ m3, nhưng chỉ tập trung chủ yếu ở một số lưu vực sông lớn như sông Me Kong (Cửu Long), sông Hồng-sông Thái Bình, trong đó chỉ có khoảng 37% lượng nước được sản sinh trong nước.

Theo đánh giá của Cục Quản lý Tài nguyên nước-Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu chỉ tính nước nội sinh, bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 3.600m3/năm. Tiềm năng nguồn nước dưới đất ước tính khoảng 63 tỷ m3/năm, nhưng chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên.

Từ đó cho thấy, Việt Nam không phải là quốc gia “giàu” về nước. Đặc biệt, trước yêu cầu khai thác, sử dụng bền vững và bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về thiếu hụt nguồn nước trong tương lai.

Vì vậy, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) năm 2012, đánh dấu sự thay đổi về thể chế quản lý tài nguyên nước. Qua đó, lần đầu tiên tài nguyên nước thực sự được coi là tài sản, là nguồn lực quốc gia, khai thác nước phải trả tiền, sử dụng nguồn nước phải tiết kiệm, hiệu quả, bền vững nguồn nước theo phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên nước.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Tài nguyên nước, với trọng tâm là nâng cao nhận thức của cộng đồng, làm rõ trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội trong bảo vệ, phát triển nguồn nước và sử dựng nước tiết kiệm, hiệu quả. Mặt khác Bộ xây dựng cũng sẽ ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 và triển khai thực hiện đồng bộ.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng của Bộ tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, các hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả thải vào nguồn nước, quy hoạch tài nguyên nước.

Đồng thời xây dựng và thực hiện tốt cơ chế, công cụ điều phối, giám sát các hoạt động liên ngành, liên vùng liên địa phương trên các lưu vực sông, nhất là việc phối hợp vận hành, điều tiết nước của các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, việc bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu, kiểm soát, giám sát chặt chẽ các nguồn nước thải gây ô nhiễm nguồn nước.

Cùng với việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; thông qua việc cấp phép sẽ thanh kiểm tra sau cấp phép và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội sông Me Kong quốc tế, các quốc gia có chung nguồn nước, các tổ chức quốc tế nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích, cùng nhau khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước sông Me Kong và các nguồn nước xuyên biên giới khác./.   

Thế Cường (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục