Việt Nam lần đầu được đề cử cương vị Đồng Chủ tịch SEARP của OECD

Đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam chủ động tham gia thúc đẩy các quan tâm chung cũng như lồng ghép các ưu tiên phát triển trong OECD và Chương trình SEARP.
Việt Nam lần đầu được đề cử cương vị Đồng Chủ tịch SEARP của OECD ảnh 1Quang cảnh cuộc họp trực tuyến. (Ảnh: TTXVN phát)

Cuộc họp lần thứ tám của Ban Điều phối Chương trình quốc gia Đông Nam Á (SEARP) của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã diễn ra chiều 9/12 theo hình thức trực tuyến.

Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Minh Hằng đã tham dự cuộc họp.

Cùng tham dự có ông Hyoung Kwon Ko, Đại sứ Hàn Quốc tại Pháp và ông Cherdchai Chaivaivid, Vụ trưởng Vụ Kinh tế quốc tế, Bộ Ngoại giao Thái Lan - hai Đồng chủ tịch Chương trình Đông Nam Á; ông Andreas Schaal, Giám đốc Ban quan hệ toàn cầu OECD; các đại sứ, trưởng phái đoàn và đại diện đến từ các quốc gia thành viên của OECD và Đông Nam Á.

[OECD mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong thời gian tới]

Tại cuộc họp, Việt Nam và Australia đã chính thức được đề cử đảm nhiệm cương vị đồng chủ tịch Chương trình SEARP giai đoạn 2022-2025 thay Thái Lan và Hàn Quốc.

Phát biểu tại cuộc họp, bà Nguyễn Minh Hằng ghi nhận chương trình đã hỗ trợ tích cực cho các nước Đông Nam Á trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đưa khu vực gần hơn với các tiêu chuẩn và thực tiễn tốt của OECD.

Bà Nguyễn Minh Hằng đánh giá cao, chúc mừng những thành tựu mà Chương trình SEARP cùng Hàn Quốc và Thái Lan, trên cương vị đồng chủ tịch Chương trình SEARP giai đoạn 2018-2021, đã đạt được, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng bày tỏ cảm ơn sự ghi nhận của OECD và Chương trình SEARP đối với những đóng góp tích cực và trách nhiệm của Việt Nam thời gian qua; khẳng định sẽ nỗ lực phối hợp chặt chẽ với Australia nhằm phát huy những kết quả đạt được từ giai đoạn trước, gắn kết hiệu quả hơn giữa OECD nói chung và Chương trình SEARP nói riêng với khu vực. 

Bà Nguyễn Minh Hằng khẳng định trong bối cảnh thế giới đang trong quá trình tái cơ cấu, còn nhiều bất ổn khó lường, ba năm tới sẽ là giai đoạn hết sức quan trọng đối với tiến trình phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Đông Nam Á.

Trợ lý Bộ trưởng cũng đề xuất một số lĩnh vực ưu tiên, mong muốn Chương trình SEARP tiếp tục phối hợp và thúc đẩy, trong đó có tiếp tục ủng hộ thực thi Khung Phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF); cho rằng đây là mục tiêu quan trọng của chương trình và ủng hộ hợp tác trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, hạ tầng số, phát triển nguồn nhân lực, du lịch và đi lại an toàn, tăng trưởng xanh...

Việt Nam lần đầu được đề cử cương vị Đồng Chủ tịch SEARP của OECD ảnh 2Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng tham dự cuộc họp. (Ảnh: TTXVN phát)

Ông Anthony Stannard, đại diện Phái đoàn thường trực của Australia tại OECD bày tỏ vinh dự, ghi nhận thành tựu hai nước Hàn Quốc và Thái Lan đạt được thời gian qua; nhấn mạnh ưu tiên tổng thể của Australia trong giai đoạn tới là hành động để thúc đẩy phục hồi và thịnh vượng cho toàn khu vực.

Ông Anthony Stannard khẳng định quyết tâm cao của Australia sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các đối tác trong khu vực trong 3 năm tới trên cương vị đồng chủ tịch Chương trình SEARP.

Việt Nam là nước thứ ba tại Đông Nam Á đảm nhiệm cương vị đồng chủ trì Chương trình SEARP, sau Indonesia và Thái Lan.

Việc đảm nhiệm cương vị này là nỗ lực triển khai Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam chủ động tham gia thúc đẩy các quan tâm chung cũng như lồng ghép các ưu tiên phát triển trong OECD và Chương trình SEARP.

Vai trò này vừa giúp Việt Nam thể hiện vai trò, trách nhiệm quốc tế, vừa tranh thủ tư vấn và hỗ trợ của OECD cho các mục tiêu phát triển.

Việc OECD mời Việt Nam đảm nhận cương vị này cũng khẳng định sự ghi nhận đối với vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực, cũng như những đóng góp của Việt Nam đối với SEARP thời gian qua; thể hiện sự tin tưởng Việt Nam có thể gắn kết hiệu quả OECD với khu vực trong các lĩnh vực quan tâm chung.

Tại cuộc họp, đại diện các nước đã đánh giá kết quả triển khai Chương trình SEARP giai đoạn 2018-2021, thảo luận công tác chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Chương trình SEARP (dự kiến diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc từ ngày 9-10/2/2022)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục