Việt Nam mong ngân hàng Hàn Quốc tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chính phủ kỳ vọng các doanh nghiệp Hàn Quốc, bao gồm các ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam, sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình, hỗ trợ tích cực quan hệ song phương.
Việt Nam mong ngân hàng Hàn Quốc tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng ảnh 1Quang cảnh buổi tiếp. (Nguồn: Nhân Dân)

Sáng 23/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có cuộc tiếp ông Kim Sung-tae, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (IBK) và ông Kang Seoghoon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB).

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, với việc nâng tầm quan hệ song phương lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, Chính phủ Việt Nam mong muốn hai nước tiếp tục mở ra một chương hợp tác mới thành công rực rỡ.

Trong đó, Chính phủ kỳ vọng các doanh nghiệp Hàn Quốc, bao gồm cả các ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam, sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình, hỗ trợ tích cực cho quan hệ song phương hai nước, đặc biệt là quan hệ kinh tế tiếp tục phát triển tốt đẹp.

Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng được gặp các lãnh đạo cấp cao nhất của Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc nhân dịp tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

[Hợp tác kinh tế là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc]

Chúc ông Kim Sung-tae và ông Kang Seoghoon có chuyến công tác thành công, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là hai đại diện tiêu biểu trong số các doanh nghiệp có vốn Chính phủ Hàn Quốc tới Việt Nam lần này.

Phó Thủ tướng ghi nhận những đóng góp tích cực của các ngân hàng KDB, IBK trong vai trò là cầu nối quan trọng kết nối các nhà đầu tư Hàn Quốc với các nhu cầu tài trợ cho các chương trình, dự án quan trọng tại Việt Nam.

IBK gần đây đã mở rộng hoạt động hướng tới các khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, trong đó có các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Mặc dù quy mô vốn còn khiêm tốn, song đây là hướng đi đúng đắn của IBK tại Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ của ngân hàng đồng hành với kinh tế Việt Nam và phù hợp với các định hướng lớn của Chính phủ hiện nay.

Phó Thủ tướng đề nghị IBK tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, thế mạnh của mình đặc biệt là vai trò quan trọng đối với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp tục hoạt động an toàn, hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho hợp tác kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc.

Phó Thủ tướng đánh giá cao việc KDB - với vai trò là một trong những mô hình ngân hàng phát triển 100% vốn Chính phủ thành công nhất - đã ký kết và triển khai các Bản ghi nhớ về hợp tác với Bộ Tài chính Việt Nam nhằm chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm giá trị, hỗ trợ Bộ Tài chính xây dựng định hướng mô hình hoạt động phù hợp để tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Phó Thủ tướng cho rằng các kiến thức, kinh nghiệm này có giá trị tham khảo hữu ích cho quá trình triển khai thực hiện cơ cấu lại và xây dựng định hướng hoạt động cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Phó Thủ tướng mong muốn trong thời gian tới KDB tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực phù hợp cho Chính phủ Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Bày tỏ “mỗi lần đến Việt Nam tôi cảm giác như được về quê hương mình,” ông Kang Seoghoon, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) chia sẻ về cuộc gặp chủ tịch một quỹ đầu tư lớn của Hoa Kỳ.

Khi trao đổi về nhận định là trong bối cảnh hiện tại nền kinh tế của quốc gia nào có cơ hội phát triển nhất, ông đã trả lời ngay: Đó là Việt Nam. Dù nền kinh tế toàn cầu đang gặp những khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng bền vững.

Chủ tịch KDB bày tỏ hy vọng sẽ có mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển năng lượng xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; mong muốn thời gian tới sẽ thành lập chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển ra thị trường thế giới.

Về phía Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc, Chủ tịch IBK Kim Sung-tae bày tỏ mong muốn thành lập một ngân hàng chuyên biệt cung cấp các dịch vụ tài chính cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua đó góp phần nâng tầm hệ sinh thái doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, đóng góp chung vào sự phát triển quan hệ của hai nước.

Trao đổi về đề xuất của lãnh đạo KDB và IBK, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Hàn Quốc hiện là quốc gia có số lượng hiện diện của các tổ chức tài chính-ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam và vẫn đang tiếp tục có số lượng hồ sơ đề nghị cấp phép thành lập hiện diện mới nhiều nhất hiện nay.

Số lượng các tổ chức trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam đã lên tới 96 tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có tới 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai mạnh mẽ việc tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có trụ cột tái cơ cấu khu vực tài chính mà tái cơ cấu ngân hàng là trọng tâm.

Giai đoạn 2021-2025, Việt Nam tiếp tục triển khai Đề án Cơ cấu lại Hệ thống các Tổ chức Tín dụng, để tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống.

Theo đó, Chính phủ Việt Nam khuyến khích các tổ chức tài chính-ngân hàng nước ngoài tham gia quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng yếu kém.

Đây sẽ là lợi thế khi tổ chức tài chính nước ngoài mong muốn thiết lập hiện diện thương mại mới tại Việt Nam. Việt Nam rất mong muốn các tổ chức tài chính-ngân hàng Hàn Quốc chủ động, tích cực tham gia vào quá trình tái cơ cấu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục