Làm việc với Cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO) ngày 27/2, tại Hà Nội, lãnh đạo Tổng cục Quản lý Thị trường đã chia sẻ phương thức xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; việc phát hiện hàng giả tại các đại lý bán hàng; xác định kho hàng online và offline cũng như đánh giá tình hình thị trường tiêu thụ.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường cho biết lực lượng Quản lý Thị trường trên cả nước đã phát hiện và xử lý nhiều vấn đề liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các thương hiệu của Nhật Bản tại thị trường Việt Nam.
Hợp tác quốc tế tăng hiệu quả chống hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ
Đánh giá tình hình chung, ông Trần Hữu Linh thông tin hiện tỷ lệ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam còn tương đối cao. Cùng với đó, phương thức thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, nhất là hiện nay, việc mua hàng online tăng nhanh làm cho việc phòng chống xử lý các hành vi liên quan đến sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng Quản lý Thị trường, rất khó khăn.
Đánh giá cao buổi gặp gỡ làm việc trực tiếp giữa hai đơn vị, theo ông Linh, đây là dịp để giúp hai bên cập nhật các thông tin mới nhất về vấn đề xâm phạm sở hữu trí tuệ của các sản phẩm, qua đó giúp lực lượng Quản lý Thị trường tiến hành tốt hơn công tác kiểm tra giám sát thị trường.
Nhấn mạnh việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ diễn ra tại thị trường truyền thống mà còn xuất hiện nhiều trên Thương mại Điện tử, đại diện Tổng cục Quản lý Thị trường cho hay để giải quyết tình trạng này, ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án 319).
Đề án nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động Thương mại Điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm; bảo đảm hoạt động Thương mại Điện tử minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển Thương mại Điện tử bền vững tại Việt Nam.
Về phía Nhật Bản, ông Yasuaki Naito, Giám đốc Ban Sở hữu trí tuệ, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Bangkok, cho biết buổi làm việc của Đoàn công tác của Cơ quan sáng chế Nhật Bản với Tổng cục Quản lý Thị trường rất hữu ích, các nội dung thắc mắc đều được lãnh đạo Tổng cục Quản lý Thị trường giải đáp rất chi tiết.
Trưởng đoàn công tác Cơ quan sáng chế Nhật Bản mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía lực lượng Quản lý Thị trường để các doanh nghiệp Nhật Bản có thể yên tâm đầu tư, phát triển và mở rộng thị trường tại Việt Nam./.
Tại cuộc Triển lãm về hàng thật, hàng giả do Tổng cục Quản lý Thị trường mới đây, ông Bùi Văn Định, Trưởng phòng Thực thi Sở hữu Trí tuệ của Honda Việt Nam cho biết trung bình mỗi năm phát hiện từ 200-300 vụ liên quan tới làm giả các sản phẩm phụ tùng nhãn hiệu Honda Việt Nam, tương ứng với số lượng khoảng 100.000 phụ tùng giả, trong đó lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều sản phẩm dầu nhớt (do Honda sản xuất) được các gian thương thu gom vỏ chai nhựa đã qua sử dụng, sau đó về thay thế bằng các sản phẩm không rõ chất lượng và đóng hộp để bán ra thị trường.
Trước vấn nạn hàng giả ngày càng tinh vi, doanh nghiệp đã đồng hành cùng lực lượng Quản lý Thị trường và các cơ quan chức năng liên tục vào cuộc để ngăn chặn các sản phẩm giả mạo này.