Việt Nam-Nhật Bản khởi động Sáng kiến chung trong kỷ nguyên mới

Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản đã góp phần tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam, là căn cứ để đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại cuộc họp khởi động Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại cuộc họp khởi động Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Ngày 27/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) tổ chức cuộc họp khởi động Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1.

Sáng kiến dựa trên cơ sở Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” và kết quả triển khai thực hiện 8 giai đoạn của Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong 20 năm qua.

Cụ thể, Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4 năm 2003, đây là sự hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.

Trên thực tế, việc thiết lập một diễn đàn đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam, Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản đã góp phần tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam. Đây là căn cứ để đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, làm thông tin tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.

13.jpg
Ông Yamada Junichi, Phó Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản phát biểu. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản đã hoàn thành 8 giai đoạn với tổng số 497/594 hạng mục đã hoàn thành tốt và đúng tiến độ, chiếm 84% tổng số hạng mục trong Kế hoạch hành động hai bên thực hiện. Sáng kiến chung cũng đóng góp quan trọng trong thúc đẩy nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản vào Việt Nam nói riêng và từ các quốc gia trên thế giới nói chung.

Theo Bộ trưởng, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư 5.288 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 74,3 tỷ USD (lũy kế đến ngày 20/2) và đóng vai trò to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Riêng hai tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký của Nhật Bản đạt 422,4 triệu USD, tăng 290% so với cùng kỳ.

"Đây là tín hiệu rất khả quan cho thấy các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn xem Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tại Sáng kiến lần này, hai bên lựa chọn những nội dung có tính chiến lược, gắn với những vấn đề lớn đang được đặt ra đồng thời yêu cầu phải có kết quả đầu ra cụ thể để ứng dụng vào thực tế.

Bên cạnh đó, hai bên cũng thống nhất thời gian triển khai giai đoạn 1-Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới dự kiến là 19 tháng (từ tháng 03 năm 2024 đến tháng 10 năm 2025). Trong đó, dự kiến có một cuộc họp đánh giá giữa kỳ (vào khoảng tháng 12 năm 2024) và một cuộc họp cấp cao để đánh giá kết quả của việc thực hiện giai đoạn 1 mới vào khoảng tháng 10 năm 2025.

Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác và tích cực triển khai đúng các cam kết trong nội dung Kế hoạch hành động để mang đến thành công của Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới-giai đoạn 1, nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể đã đề ra, hướng tới sự thịnh vượng chung của cả cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.

12.jpg

Ông Fujimoto Masayoshi, Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) nhấn mạnh Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản thời kỳ mới là yếu tố rất quan trọng để có thể thúc đẩy giá trị gia tăng ở trong ngành công nghiệp. Trong đó, hai bên phải nâng cao chất lượng đầu tư và tiếp tục đào tạo nguồn lực. Ông Masayoshi cũng khẳng định các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện chuyển giao công nghệ trong thời gian tới cho các đối tác Việt Nam, từ đó giúp nâng cao năng lực xuất khẩu của đất nước.

"Các doanh nghiệp trong các ngành bán dẫn, công nghệ cao, công nghiệp chế tạo của Nhật Bản luôn ưu tiên lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư," ông Masayoshi nói.

“Các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức góp phần chuyển đổi năng lượng, trung hòa carbon ở cả hai quốc gia. KEIDANREN cam kết sẽ thúc đẩy các mối quan hệ giao lưu giữa các doanh nghiệp thông qua việc phối hợp với các tổ chức kinh tế (như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI), để tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của hai quốc gia,” ông Masayoshi nói.

Cụ thể, giai đoạn 1 của Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới gồm 5 nhóm vấn đề chính: Thúc đẩy Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á, chuyển đổi xanh (AZEC/ GX); Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (DX); Tăng cường chuỗi cung ứng, bao gồm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (lĩnh vực IT, AI, chất bán dẫn); Cải cách cơ chế để hoàn thiện môi trường đầu tư.

Tại hội nghị, ông Yamada Junichi, Phó Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) trao đổi về khả năng phát triển hợp tác Nhật Bản-Việt Nam thông qua vốn ODA. Theo ông, nguồn vốn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam (lũy kế tại thời điểm hiện tại) đạt 3.000 tỷ yên, tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng, trong đó chú trọng các dự án về cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, xây dựng văn bản pháp luật, hỗ trợ chuyển đổi nền kinh tế thị trường…

Trên cơ sở Sáng kiến trong kỷ nguyên mới, ông Junichi cho biết JICA sẽ tập trung hỗ trợ vào tăng trưởng chất lượng cao của Việt Nam. Sau dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc ra nước ngoài và trong đó có Việt Nam. Với sự kỳ vọng mở rộng đầu tư hơn nữa của Việt Nam về mạng lưới lưu thông cảng biển, đường sắt đô thị, môi trường đô thị, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, JICA sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân thông qua hợp tác trong các lĩnh vực này. Bên cạnh đó, JICA cũng hướng tập trung vào yếu tố con người gắn với tương lai, từ đó đẩy mạnh nguồn nhân lực, giao phó tương lai cho các thế hệ tiếp theo, thông qua việc cung cấp học bổng, phối hợp đào tạo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục