Theo dự kiến, từ năm 2030, Việt Nam sẽ cấm toàn bộ túi nylon, kể cả các khu chợ dân sinh cũng sẽ không còn túi nylon dùng một lần. Hiện các nhà sản xuất đang tính toán thay đổi công nghệ để đáp ứng thị trường và tuân thủ quy định nhà nước.
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Theo ông Thắng, thời gian qua Việt Nam đã có nhiều tín hiệu tích cực trong việc tuyên truyền, thúc đẩy hạn chế sử dụng túi nylon.
Điển hình như việc triển khai dự án thí điểm “Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi nylon dùng một lần tại Việt Nam” nhằm thúc đẩy các nhà bán lẻ sử dụng túi thân thiện với môi trường, lan tỏa lối sống xanh bền vững.
Đến nay, có 16 nhà bán lẻ đã đăng ký tham gia liên minh. Trong quá trình triển khai, nhiều doanh nghiệp đã tích cực triển khai giảm thiểu túi nylon khó phân hủy thay thế 100% bằng túi tự hủy sinh học trong hoạt động kinh doanh như: Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại Aeon; hệ thống siêu thị MM Mega Market; hệ thống trung tâm thương mại Vincom...
[Giảm túi nylon sử dụng một lần: Kỳ vọng "xanh" từ các nhà bán lẻ]
Tuy vậy, khảo sát của Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cũng cho thấy hiện vẫn còn một số lượng lớn túi nylon sử dụng một lần tại các siêu thị, trung bình lên tới 104.000 túi nylon/ngày, tương đương với 38 triệu túi nylon/năm.
Trước thực tế đó, Việt Nam đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nylon khó phân hủy; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Đặc biệt, từ năm 2030, Việt Nam sẽ cấm toàn bộ túi nylon, thay vào đó là các bao bì thân thiện với môi trường./.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về Quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam... |