Việt Nam tham dự Diễn đàn Nữ Nghị sỹ và Nghị sỹ Tẻ IPU-144

Các đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá cao ý kiến của đại biểu Việt Nam, góp phần hoàn thiện bức tranh tổng thể về tác động của COVID-19 đối với đời sống thể chất, tinh thần của phụ nữ và trẻ em gái.
Việt Nam tham dự Diễn đàn Nữ Nghị sỹ và Nghị sỹ Tẻ IPU-144 ảnh 1Lễ khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 144 tại Bali, Indonesia. (Nguồn; Balipost)

Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 144 và các cuộc họp liên quan tại Bali, Indonesia, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà làm trưởng đoàn đã tham dự Diễn đàn Nữ Nghị sỹ và Diễn đàn Nghị sỹ Trẻ IPU.

Ngày 20/3, tham luận tại hội nghị của Diễn đàn Nữ Nghị sỹ IPU, đại biểu Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy và học trực tuyến để đảm bảo mục tiêu kép, vừa bảo vệ sức khỏe cho giáo viên và học sinh, vừa đảm bảo việc dạy và học được liên tục.

Nhờ áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, trong 2 năm đại dịch, tỷ lệ học trực tuyến của Việt Nam đã đạt được khoảng 80% và cho rằng mặc dù cuộc chiến chống đại dịch đã có nhiều tiến triển tích cực, dạy và học trực tuyến vẫn tiếp tục là xu hướng của xã hội học tập trên môi trường số. 

Tuy nhiên, trước thách thức ngày càng tăng liên quan đến tình trạng giáo viên và trẻ em, nhất là giáo viên và trẻ em gái bị lạm dụng, gia tăng tỷ lệ lo âu, trầm cảm trong học trực tuyến; áp lực đối với phụ nữ vừa bảo đảm chăm sóc gia đình, vừa tham gia lực lượng lao động trong xã hội, đại biểu Việt Nam cho rằng các nước cần có các chính sách bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất của nữ giới; nâng cao nhận thức về những rủi ro đối với trẻ em gái tham gia các hoạt động trực tuyến, thu hẹp khoảng cách số về giới và nâng cao nhận thức, thông tin để giảm thiểu những định kiến tiêu cực về giới. 

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã đánh giá cao ý kiến của đại biểu Việt Nam, góp phần hoàn thiện bức tranh tổng thể về tác động của COVID-19 đối với đời sống thể chất và tinh thần của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh hiện nay. 

Trước đó cùng ngày, tại Diễn đàn Nghị sỹ Trẻ, đại biểu Việt Nam đã nêu bật vai trò, sự đóng góp của giới trẻ vào việc thúc đẩy các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu đồng thời chia sẻ những khó khăn thách thức đối với thanh niên hành động vì khí hậu như hạn chế về tài chính, trình độ công nghệ, năng lực và kỹ năng chung.

[Khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 144]

Đại biểu Việt Nam đề xuất các nước tăng cường sự tham gia của thanh niên ghi nhận sáng kiến của thanh niên trong thực hiện hiệu quả các chính sách nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với năng lực cũng như cam kết quốc tế trong lĩnh vực này; tăng cường hoạt động của nghị viện trong lập pháp, giám sát, phân bổ ngân sách bảo đảm nguồn lực để khuyến khích vai trò của thanh niên cũng như thúc đẩy hợp tác liên nghị viện nhằm chia sẻ kinh nghiệm tăng cường sự tham gia của thanh niên ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong ngày 21/3, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Vũ Hải Hà đã gặp Tổng Thư ký IPU và Chủ tịch IPU nhằm trao đổi các nội dung thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và IPU nhất là tăng cường vai trò của Quốc hội trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU đánh giá cao những đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong IPU, đặc biệt dấu ấn Tuyên bố Hà Nội được thông qua tại Đại hội đồng IPU 132 năm 2015 đã đề ra phương châm hành động của nghị viện vì sự phát triển bền vững.

Chủ tịch IPU và Tổng Thư ký IPU khẳng định tiếp tục ủng hộ Việt Nam, tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động của IPU. 

Trưởng đoàn Việt Nam cũng đã có một số cuộc tiếp xúc song phương với Trưởng đoàn Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Lào tăng cường quan hệ nghị viện song phương và đa phương, góp phần phục hồi bền vững sau đại dịch và tăng cường các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục