Trong hai ngày 21-22/1, Hội nghị Thượng đỉnh Phương Nam lần thứ 3 của Nhóm G77 và Trung Quốc đã diễn ra tại Kampala, Uganda, với chủ đề “Không để ai bị bỏ lại phía sau” sau gần 20 năm kể từ Hội nghị lần thứ 2 được tổ chức vào năm 2005 tại Doha.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Hội nghị có sự tham dự của Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 Dennis Francis, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cùng lãnh đạo cấp cao, bộ trưởng và đại diện các nước thành viên Nhóm G77 và Trung Quốc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, các nhà lãnh đạo Liên hợp quốc đánh giá cao vai trò của Nhóm G77 và Trung Quốc, với dân số chiếm tới 80% dân số toàn cầu, là lực lượng quan trọng của các nước đang phát triển thúc đẩy trật tự kinh tế quốc tế công bằng, vì một thế giới hoà bình, thịnh vượng và phát triển trong 60 năm qua.
Các nhà lãnh đạo Liên hợp quốc cho rằng Nhóm G77 có vai trò quyết định trong định hình các tiến trình lớn của Liên hợp quốc sắp tới, đặc biệt là Hội nghị thượng đỉnh Tương lai dự kiến diễn ra cuối năm nay tại New York, Mỹ.
Hội nghị cũng chứng kiến lễ chuyển giao chức Chủ tịch Nhóm G77 từ Cuba sang Uganda trong bối cảnh các thách thức về khí hậu, nhân đạo, kinh tế, tài chính, căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, trong khi đó tiến trình thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) có nguy cơ chững lại, thậm chí tụt lùi.
Tại hội nghị, các nước đang phát triển yêu cầu các quốc gia phát triển thực hiện cam kết đóng góp tài chính, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ, đảm bảo tiếp cận tài chính ưu đãi, có những biện pháp xử lý nợ cho các nước đang phát triển; kêu gọi cải tổ hệ thống đa phương, đặc biệt là các thể chế tài chính quốc tế nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các nước đang phát triển.
Các nước cũng đã nhất trí thông qua Văn kiện của hội nghị nhấn mạnh yêu cầu các bên liên quan khẩn trương hành động nhằm thực hiện SDGs theo phương châm không bỏ ai lại phía sau.
Dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Hoàng Giang đã đề xuất một số định hướng hợp tác lớn của Nhóm G77 trong thời gian tới.
Một là, Nhóm cần tăng cường hành động để phối hợp triển khai đúng lộ trình thực hiện SDGs, với cách tiếp cận đặt người dân ở trung tâm của mọi tiến trình phát triển.
Hai là, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải trở thành lĩnh vực hợp tác trọng tâm và Nhóm cần tận dụng mọi khuôn khổ để huy động tối đa nguồn vốn và tri thức.
Ba là, ứng phó biến đổi khí hậu phải song song với quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, trên cơ sở bảo đảm công bằng, hợp lý, tính tới hoàn cảnh, đặc thù cũng như nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các nước đang phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G77
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ quyết tâm Chuyển đổi Xanh của Việt Nam qua cam kết mạnh mẽ tại COP26, bày tỏ sẵn sàng phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm với các nước G77.
Bên lề hội nghị, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã có cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Bahamas để trao đổi về các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ song phương, trong đó có việc ký Hiệp định hợp tác khung Việt Nam-Bahamas và nghiên cứu, thúc đẩy miễn thị thực cho công dân hai nước.
Hội nghị thượng đỉnh Phương Nam là hội nghị cấp cao nhất của Nhóm G77 và Trung Quốc, gồm 134 quốc gia thành viên là các nước đang phát triển, được tổ chức để thảo luận các vấn đề toàn cầu đang nổi lên và đề ra phương hướng hành động của Nhóm tại các diễn đàn Liên hợp quốc trong lĩnh vực kinh tế, tài chính và phát triển bền vững. Đây là Hội nghị lần thứ 3, sau các Hội nghị tại Cuba năm 2000 và tại Qatar năm 2005. Hội nghị lần thứ 4 dự kiến được tổ chức vào năm 2029./.