Việt Nam xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên sang Nhật Bản vào tháng Tám

Việt Nam sẽ chính thức xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên sang thị trường Nhật Bản vào tháng Tám này. Dự kiến, số lượng xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên này khoảng 300-400 tấn.
Việt Nam xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên sang Nhật Bản vào tháng Tám ảnh 1Đóng gói sản phẩm thịt gà cung cấp ra thị trường. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Việt Nam sẽ chính thức xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên sang thị trường Nhật Bản vào tháng Tám này. Dự kiến, số lượng xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên này khoảng 300-400 tấn. Sản phẩm xuất khẩu là thịt gà đã qua chế biến nhiệt của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Koyu & Unitek-doanh nghiệp tiên phong xuất khẩu thịt gà chính ngạch của Việt Nam.

Thông tin này vừa được ông Nguyễn Văn Quyền, Trưởng ban đề án xuất khẩu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Koyu & Unitek cho biết tại Hội nghị hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng nay (7/6), tại Hà Nội.

Ông Quyền cũng cho biết, việc xuất khẩu sản phẩm thịt gà vào thị trường khó tính như Nhật Bản cần hoàn thiện nhiều khâu thủ tục vì đòi hỏi của phía Nhật Bản rất cao về chất lượng và quy trình kiểm soát chặt chẽ.

[Thịt gà Việt Nam gian nan tìm đường xuất khẩu sang Nhật, EU]

“Chúng tôi đã thực hiện đề xuất và đàm phán từ hoàn thiện các khâu thủ tục để xuất khẩu sang Nhật Bản trong vòng gần hai năm đến nay mới chính thức xuất khẩu được lô hàng đầu tiên. Bởi sau khi đàm phán nếu được phía Nhật đồng ý thì các tổ chức ở quốc gia này sẽ tiến hành kiểm tra điều kiện và phát triển chăn nuôi, sau đó doanh nghiệp mới cam kết với đơn vị nhập khẩu của Nhật,” ông Nguyễn Văn Quyền cho hay.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho biết, hiện nay hầu hết các nước nhập khẩu đều có quy chuẩn riêng của mình. Do đó, ​doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được những quy chuẩn kỹ thuật cũng như tiêu chuẩn vùng nuôi của nước nhập khẩu.

Cũng theo ông Vân, từ trước đến nay, Việt Nam mới chỉ sản xuất và tiêu thụ thịt gà ở trong nước, chưa có sản phẩm thịt xuất khẩu.

“Hiện nay, mới có hai công ty đăng ký xuất khẩu sản phẩm thịt gà đã qua chế biến nhiệt sang Nhật Bản (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Koyu & Unitek đăng ký năm 2016 và Công ty Trách nhiệm hữu hạn CP Việt Nam đăng ký vào cuối tháng 5/2017),” ông Hoàng Thanh Vân cho biết.

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Phạm Văn Đông cũng cho rằng, hầu hết các cơ sở giết mổ gia cầm đều không có hệ thống cấp đông, bảo quản lạnh, không có chuỗi sản xuất thịt bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đến sản phẩm xuất khẩu.

Hiện nay mới chỉ có Công ty trách nhiệm hữu hạn Koyu & Unitek đã đầu tư hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín từ khâu chế biến thức ăn chăn nuôi đến sản phẩm thịt gà chế biến xuất khẩu.

Việt Nam xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên sang Nhật Bản vào tháng Tám ảnh 2Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến về việc xúc tiến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

“Trong khi đó, tất cả các nước có nhu cầu nhập khẩu đều yêu cầu phải có chuỗi sản xuất khép kín đến sản phẩm cuối cùng, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để xuất khẩu,” Cục trưởng Phạm Văn Đông chỉ rõ.

[Thịt gà chế biến của Việt Nam có thể được xuất khẩu sang Nhật Bản]

Về giải pháp trước mắt, ông Đông đề nghị các doanh nghiệp có nguồn lực tổ chức xây dựng đề án sản xuất thịt gà theo chuỗi khép kín. Doanh nghiệp cần thực hiện khép kín từ khâu sản xuất thức ăn, con giống, nuôi thương phẩm, hệ thống dây chuyền giết mổ, hệ thống bảo quản mát, hệ thống cấp đông, hệ thống kho bảo quản, chế biến bảo đảm an toàn dịch bệnh (cúm gia cầm, Newcastle…), an toàn thực phẩm (không có vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm như vi khuẩn Salmonella, E.Coli,…; không có tồn dư các hóa chất như kháng sinh, hóc môn, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng) theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Về giải pháp lâu dài, Cục Thú y đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh/thành phố kiến nghị ​Chính phủ tập trung đầu tư kinh phí cho việc quy hoạch vùng chăn nuôi lợn và gia cầm, tăng cường đầu tư năng lực cho ngành thú y (ở trung ương và địa phương)​ đồng thời cấp đầy đủ kinh phí để thực hiện các chương trình quốc gia về phòng chống dịch bệnh.

"Có như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng được các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các nước theo đúng quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE)," ông Đông nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục