Việt Nam-Italy nhất trí miễn thị thực và hoán đổi nợ

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã chứng kiến lễ ký các hiệp định giữa Việt Nam và Italy về miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao.
Ngày 13/7, tại Milano, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã chứng kiến lễ ký các hiệp định giữa Việt Nam và Italy về miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao; hiệp định về hoán đổi nợ; và việc Italy tham gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Trước đó, Phó Thủ tướng cũng tham dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Italy, và gặp Bộ trưởng Ngoại giao Franco Fratini.

Milano là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Italy từ ngày 9 đến 16/7 của Phó Thủ tướng Thường trực chính phủ Nguyễn Sinh Hùng.

Tham gia đoàn Chính phủ Việt Nam thăm Cộng hòa Italy còn có Đại sứ Việt Nam tại Italy Đặng Khánh Thoại; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Văn Phượng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông; Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp và Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Trần Mai Hưởng.

Trong thời gian ở thăm thành phố Milano, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đến thăm nhà hàng Trattoria della Pesa, nơi Bác Hồ từng đến đọc báo đầu những năm 1930 khi Người ở Milano.

Ngày 12/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã gặp Chủ tịch vùng Lombardia, Formigoni và chứng kiến lễ ký Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và vùng Lombardia; Hiệp định hợp tác giữa Petrovietnam-Công ty ValvItaly SPA và tiếp một số doanh nghiệp Italy.

Việt Nam và Italy chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 23/3/1973, nhưng đến những năm 1990, quan hệ chính trị giữa hai nước mới được phát triển và củng cố sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Italy G. De Michelis tháng 12/1989. Từ đó đến nay, hai nước đã duy trì thường xuyên việc trao đổi các đoàn cấp cao.

Chính phủ Italy luôn coi Việt Nam là "nước đầu cầu" (ngoài Trung Quốc và Ấn Độ) để đi vào châu Á; tích cực ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu trên các diễn đàn quốc tế lớn cũng như bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức tài chính, thương mại, tiền tệ quốc tế.

Italy là một trong những nước Tây Bắc Âu đầu tiên nối lại và phát triển các quan hệ hợp tác với Việt Nam sau thời kỳ ngưng đọng (1979-1989).

Từ năm 1989 đến 2009, hai nước đã ký kết bảy hiệp định, trong đó có hiệp định khung về hợp tác kinh tế, công nghệ, kỹ thuật; khuyến khích và bảo trợ đầu tư; hợp tác văn hóa; hoãn nợ; tránh đánh thuế hai lần; cho và nhận con nuôi; du lịch...

Một số tập đoàn sản xuất lớn của Italy đã thiết lập quan hệ hợp tác và bước đầu có một số kết quả tốt tại Việt Nam như Technip Italy với dự án Nhà máy đạm Phú Mỹ; Denielia với dự án nhà máy sản xuất thép; Fiat Iveco với Liên doanh ôtô Mekong; Piaggio với dự án đầu tư 45 triệu USD tại tỉnh Vĩnh Phúc để sản xuất xe tay ga với số lượng 100.000 chiếc/năm.

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Italy hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên năm 2009 chỉ đạt 1,5 tỷ USD.

Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Italy là giày dép, càphê, hàng dệt may và hàng thủy sản. Việt Nam nhập từ Italy chủ yếu là máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện vận tải và nguyên liệu da.

Hiện Italy đứng thứ 33 về quy mô trong số các quốc gia trên thế giới có dự án đầu tư tại Việt Nam với 37 dự án trị giá 188 triệu USD và đứng thứ 9 trong số các nuớc của EU.

Về quan hệ hợp tác phát triển, Italy bắt đầu vào Việt Nam từ những năm 1980 dưới các hình thức cho vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại song phương hoặc thông qua các tổ chức quốc tế như UNIDO, IFAD, viện trợ khẩn cấp...

Trong Nghị định thư 1991-1992, Italy đã cam kết tài trợ cho Việt Nam 160 tỷ Lira (139 triệu USD), gồm 120 tỷ vay ưu đãi và 40 tỷ không hoàn lại. Năm 1997, Italy cho Việt Nam vay 100 tỷ Lira (60 triệu USD) thời hạn 35 năm để thực hiện các dự án về cấp nước và giáo dục.

Ngoài ra, Italy còn có những hình thức viện trợ thông qua uỷ thác hoặc đồng tài trợ như đối với các dự án xây dựng Trung tâm y tế tại Đại học Huế, dự án xoá đói giảm nghèo ở tỉnh Gia Lai, dự án quản lý tổng hợp các hoạt động ở đầm phá Thừa Thiên Huế, dự án về vệ sinh môi trường ở tỉnh Cà Mau và Quảng Nam.

Về hợp tác văn hoá-giáo dục, Italy đã dành cho Việt Nam một số học bổng các khoá học tiếng Italy và cao học, mở các khóa học tiếng Italy tại Hà Nội và đang phối hợp với UNESCO giúp đỡ Việt Nam trùng tu Khu di tích Mỹ Sơn. Ngoài ra, hai bên thường xuyên tổ chức các tuần lễ, tháng Văn hoá tại Italy và Việt Nam.

Thời gian tới, Italy cam kết sẽ tham gia tổ chức một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục