Việt Tú bộc bạch về bài toán sân khấu biểu diễn ballet ở Việt Nam

Công chúng yêu nghệ thuật vũ kịch tại Thủ đô sẽ có cơ hội thưởng thức thêm vở ballet “Kẹp hạt dẻ” đến từ Nhà hát Ballet Nga Talarium Et Lux vào ngày 3/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, Hà Nội (NCC)
Việt Tú bộc bạch về bài toán sân khấu biểu diễn ballet ở Việt Nam ảnh 1 Các vũ công đến từ nhà hát ballet Nga Talarium Et Lux. (Ảnh: QH)

Sau vở “Hồ thiên nga” tháng 8/2015, công chúng yêu nghệ thuật vũ kịch tại Thủ đô sẽ có cơ hội thưởng thức thêm vở “Kẹp hạt dẻ” của Nhà hát Ballet Nga -Talarium Et Lux vào ngày 3/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia (NCC) Hà Nội.

Cũng trong tháng Sáu năm nay, khán giả nội địa và đặc biệt là Hà Nội đã được trải nghiệm thêm nghệ thuật vũ kịch Pháp qua chương trình “Paris Ballet.”

Ballet Nga hay Pháp thì về tới Việt Nam đều có điểm chung là cùng được diễn ra ở sân khấu Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, Hà Nội, và vấn đề chất lượng tổ chức ballet ở Việt Nam hiện nay vẫn còn là câu hỏi. Căn nguyên thì đều xoay quanh về câu chuyện sân khấu.

Còn nhớ, trong chương trình“Paris Ballet” năm ngoái, nhà tổ chức đã phải thu hẹp sân khấu vào phút cuối trước yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn từ phía nhà hát Pháp. Bên cạnh đó, nhiều luồng ý kiến đến từ phản hồi của khán giả về những hạn chế của sân khấu Trung tâm Hội nghị Quốc Gia với loại hình ballet. Hai điểm trừ lớn nhất là không gian sân khấu quá lớn đã làm “loãng” chất lượng âm thanh live và hạn chế về phần nhìn ở nửa sau khán phòng và toàn bộ tầng hai.

Trước câu hỏi về bài toán sân khấu ở vở ballet “Kẹp hạt dẻ” tối 3/12 tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia, đạo diễn Việt Tú nói: “Về loại hình ballet, mỗi nhà hát trên thế giới có cách thức và quan điểm khác nhau. Năm ngoái, chương trình 'Paris Ballet' là của Pháp và hình thức sân khấu của họ là theo phong cách cổ điển, chủ yếu dùng phông màn sân khấu và họ đã cho thu hẹp sân khấu lại.”

Việt Tú bộc bạch về bài toán sân khấu biểu diễn ballet ở Việt Nam ảnh 2Đạo diễn Việt Tú. (Ảnh: QH)

“Nói không gian ở Trung tâm Hội nghị Quốc Gia không phù hợp để trình diễn ballet tôi nghĩ là không chính xác. Vì ở Mỹ còn có nhà hát 5-6 nghìn chỗ ngồi và được xem là nhà hát lớn nhất về ballet hiện nay. Nguyên tắc về biểu diễn sân khấu thì vị trí quan sát thuận lợi nhất là những hàng đầu, vị trí phía sau bao giờ cũng khó quan sát hơn. Và ở các nhà hát trên thế giới bao giờ họ cũng cung cấp ống nhòm cho những người có vị trí hạn chế.”

Cũng theo đạo diễn Việt Tú, không chỉ vấn đề sân khấu, có những nhà hát lại đưa ra những yêu cầu "khủng khiếp" về thảm ballet để các vũ công không xảy ra rủi ro gì trong quá trình biểu diễn, vì đôi chân vũ công chính là tài sản quốc gia.

Xét về các tiêu chí để giải bài toán sân khấu diễn ballet ở Việt Nam, vị đạo diễn này cũng lý giải “cố nhiên ở Nhà hát Lớn thì sẽ phù hợp hơn nhưng với số ghế hạn chế ở đây thì phải cần diễn tới 5 đêm, và như thế thì nhà hát Nga cũng không có lịch trống, kinh phí cũng vì thế mà bị đẩy cao rất nhiều. Nên, cá nhân tôi cho rằng, chúng ta cùng cố gắng và cùng nhau ghi nhận nỗ lực các bên.”

“Việc đưa được nhà hát ballet về Việt Nam là nỗ lực không tưởng và là cơ hội quý, ngoài công sức còn là tiền bạc, tùy điều kiện trong nước, chúng ta cố gắng khắc phục để hướng đến càng người được xem càng tốt. Hiện nay sân khấu Trung tâm Hội nghị Quốc Gia đáp ứng được mục đích hướng đến tối đa khán giả."

Nói về tiêu chuẩn sân khấu, đạo diễn Việt Tú cũng khẳng định "năm ngoái nhà hát ballet Nga cũng đã sang để khảo sát về sân khấu, và cuối cùng nơi họ chọn là Trung tâm Hội nghị Quốc gia vì đó là không gian đáp ứng được những mục tiêu chung.”

Ngoài Hà Nội, lần này nhà tổ chức (công ty cổ phần đào tạo & tư vấn truyền thông AAA) cũng nỗ lực diễn lại vở “Hồ thiên nga”tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 1/12 tại Nhà hát Hòa Bình.

Việt Tú bộc bạch về bài toán sân khấu biểu diễn ballet ở Việt Nam ảnh 3Bà Lê Thị Hòa, đại diện nhà tổ chức. (Ảnh: QH)

Bà Lê Thị Hòa, đại diện nhà tổ chức cũng chia sẻ đầy vẻ quyết tâm, "khi đưa được vở 'Hồ thiên nga' về Hà Nội, đã có số lượng khán giả không nhỏ từ Thành phố Hồ Chí Minh đặt vé máy bay ra xem đã tiếp thêm động lực cho đơn vị sản xuất nỗ lực tiệm cận ở thị trường phía Nam."

“Việc hướng đến đại chúng loại hình nghệ thuật đẳng cấp như ballet không thể chỉ lần một lần hai, nhưng với đam mê dành cho ballet chúng tôi sẽ tiếp tục đeo đuổi, đưa ballet về trong những năm tới để lan tỏa và nối dài giấc mơ vũ kịch Nga.”

Nội dung “Kẹp hạt dẻ” được trình diễn lần đầu tiên tại Nhà hát Mariinsky tại St.Petersburg vào ngày 18/12/1982. Vào cuối những năm 1960, vở diễn hoàn chỉnh đã gây tiếng vang lớn. ​Nhà soạn nhạc Tchaikovsky đã mang lại cho vở vũ kịch này vẻ đẹp và sự hấp dẫn đặc biệt. Đây cũng là một trong những tác phẩm thành công nhất của ông và được khán giả yêu thích mãi đến ngày nay.

“Kẹp hạt dẻ” là một trong những vở ballet được trình diễn nhiều nhất trên thế giới và được các nhà hát ballet nổi tiếng nhất thế giới công diễn vào dịp trước và trong Giáng sinh hàng năm, nhất là ở Mỹ. Những công ty ballet chính của Mỹ thu 40% lợi nhuận hàng năm từ những vở diễn này.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục