Viettel chính thức "soán ngôi” doanh thu của VNPT

Sau nhiều năm ở "cửa sau," năm 2012 Viettel đã chính thức vượt qua VNPT để trở thành đại gia viễn thông có tổng doanh thu lớn nhất.
Công bố mới nhất cho thấy, doanh thu năm 2012 của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức vượt Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông sáng nay, 24/12.

Cụ thể năm 2012 tổng doanh thu toàn Tập đoàn VNPT là 130.390 tỷ đồng, đạt 100,3% kế hoạch, bằng 107,94% so với năm 2011; nộp ngân sách nhà nước đạt 7.561 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, bằng 101% so với năm 2011.

Trong khi đó, doanh thu của Tập đoàn Viettel là 140.058 tỷ đồng, đạt 100,04% kế hoạch, tăng 22.720 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước ước thực hiện 10.394 tỷ đồng, tăng 1.103 tỷ đồng...

Còn nhớ, cuộc đua doanh thu “nghìn tỷ” của hai “đại gia” viễn thông Việt Nam đã được báo chí xới lên mấy năm gần đây. Khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, Viettel sẽ vượt qua VNPT trong một tương lai rất gần.

Năm 2010, VNPT tuyên bố đã đạt 101.569 tỷ đồng doanh thu, đạt 100,56% kế hoạch năm 2010, tăng 27,05% so với 2009. Viettel “chấp nhận” về nhì khi thu được 91.561 tỷ đồng, đạt 117% kế hoạch và tăng 52% so với 2009. Thế nhưng, dù đã về đích trước, tổng lợi nhuận của VNPT trong năm 2010 chỉ đạt 11.200 tỷ đồng, còn Viettel tuy xếp sau nhưng lợi nhuận lại cao hơn, với 15.500 tỷ đồng.

Trong năm 2011, Viettel đặt mục tiêu sơ bộ sẽ đạt doanh thu gần 110.000 tỷ đồng và sau đó đã nâng lên 130.000 tỷ đồng. Phía VNPT thì đưa doanh thu khoảng trên 120.000 tỷ đồng, sau đó cũng tăng lên 130.000 tỷ đồng. Cuối năm 2011, con số công bố cho thấy Viettel đạt 117.000 tỉ đồng còn VNPT đạt 120.800 tỉ đồng.

Và, đến năm 2012 thì doanh thu của Viettel chính thức vượt VNPT.

Trong một lần trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng giám đốc VNPT cũng cho rằng, nhận xét VNPT bước chậm hơn Viettel là “có phần đúng.” Tuy nhiên, doanh nghiệp này không hề thụt lùi và vẫn bước vững chắc.

“Nhiều khi người ta đánh giá VNPT thay đổi chậm quá, chúng tôi cũng đồng ý nhưng mục tiêu của VNPT là quyết tâm thay đổi,” ông Đức nói.

Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, VNPT đã chia tách và bàn giao VietnamPost về Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây cũng được xem là việc “trút gánh nặng” cho VNPT khi VietnamPost nhiều năm nay trong tình trạng thua lỗ.

Trong thời gian tới, mục tiêu của VNPT đến năm 2015 là trở thành 1 trong 10 doanh nghiệp lớn nhất châu Á về cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet. Ông Nguyễn Minh Dân, đại diện VNPT cho hay, để đạt được mục tiêu, VNPT tiếp tục triển khai hạ tầng, chăm sóc khách hàng một cách rộng khắp. Đặc biệt, đơn vị này sẽ hướng tới giáo dục, Chính phủ điện tử…

Về phía Viettel, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng có tham vọng mỗi người dân sẽ có một điện thoại thông minh để truy cập Internet, mỗi gia đình có một đường truyền băng rộng và đầu tư ra nước ngoài.

Hiện, Viettel đã sản xuất thành công Smartphone giá rẻ, 3G phủ 80% dân số, cung cấp miễn phí Internet tới 30.000 trường học. Tới năm 2015, Viettel phấn đấu phủ 40% hộ gia đình có cáp đồng trục, cáp quang hóa gần 100% xã, cung cấp Internet siêu cao cho những gia đình có nhu cầu.

Bên cạnh đó, đơn vị này liên tục “tiến quân” ra thị trường nước ngoài. Đến nay, Viettel đã đầu tư kinh doanh tại 7 quốc gia ngoài lãnh thổ Việt Nam (gồm Campuchia, Lào, Haiti, Peru, Mozambique, Tanzania và Cameroon).

Có ý kiến cho rằng, việc Viettel và VNPT ai lên “ngôi vương” về tổng doanh thu có lẽ không quá quan trọng bằng việc cả hai Tập đoàn đều phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung cho đất nước. Song, việc Viettel “lật ngược” thế cờ doanh thu với VNPT cũng sẽ là một bài học cho việc cải tổ bộ máy doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh có hiệu quả./.

Phương Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục