VINASA đặt mục tiêu ngành công nghệ thông tin đạt 150 tỷ USD doanh thu

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, VINASA hướng đến mục tiêu đưa ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin cán mốc 50 tỷ USD doanh thu trong 10 năm và 150 tỷ USD trong 20 năm nữa.
VINASA đặt mục tiêu ngành công nghệ thông tin đạt 150 tỷ USD doanh thu ảnh 1Bộ Thông tin và Truyền thông trao bằng khen của Bộ cho VINASA. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tối 2/12 tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã kỷ niệm 20 năm thành lập.

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam là tổ chức được thành lập vào ngày 27/4/2002 với mục đích kiến tạo nền công nghiệp phần mềm, đưa Việt Nam trở thành "thung lũng phần mềm" của thế giới.

Khát vọng của các kỹ sư công nghệ thông tin

Trong buổi lễ kỷ niệm, ông Trương Gia Bình (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT - một trong những người sáng lập VINASA) cho biết, những năm 2000, ngành công nghệ thông tin Việt Nam còn rất sơ khai. Khi đó, Internet thế giới đã chuyển sang Internet băng rộng, Việt Nam vẫn dùng công nghệ lạc hậu với tốc độ kết nối chỉ 56kb/s.

Doanh thu ngành công nghệ thông tin Việt Nam khi đó chỉ khoảng 560 triệu USD, trong đó doanh thu phần mềm ước tính chỉ đạt 50 triệu USD với khoảng 5.000 lập trình viên.

Ở Việt Nam thời điểm đó, cả ngành công nghệ thông tin có khoảng 250 doanh nghiệp tin học. Phần lớn các doanh nghiệp công nghệ thông tinViệt Nam khi đó có ngành nghề kinh doanh là buôn bán máy tính, linh kiện và phần mềm của nước ngoài.

Ông Trương Gia Bình đã nhắc lại nỗi trăn trở của những người làm công nghệ thông tin ở thời điểm đó. "Chúng ta không thể đi bán máy tính mãi được. Ấn Độ, Trung Quốc đang phát triển công nghệ phần mềm mạnh mẽ, doanh thu hàng chục tỷ USD. Việt Nam dân số trẻ, thông minh, giỏi toán, không lẽ lại chịu thua, không lẽ lại chịu nghèo hèn mãi sao?"

Ông Bình cho biết, để xuất khẩu phần mềm, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đã cùng nhau đi thăm Ấn Độ để học hỏi xem vì sao quốc gia này lại có thể làm tốt đến như vậy.

Sau đó, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đã quyết định cùng nhau thành lập một hiệp hội mang tên Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam, tiền thân của VINASA.

[VINASA thành lập 8 ủy ban chuyên môn thúc đẩy chuyển đổi số]

Theo ông Trương Gia Bình, sự ra đời của VINASA thể hiện khát vọng cháy bỏng của các kỹ sư công nghệ nhằm ghi tên Việt Nam trên bản đồ thế giới. Khi thành lập VINASA, mục tiêu được Hiệp hội này đặt ra là ngành công nghiệp phần mềm sẽ mang 500 triệu USD doanh thu về cho tổ quốc.

VINASA đặt mục tiêu ngành công nghệ thông tin đạt 150 tỷ USD doanh thu ảnh 2VINASA trao kỷ niệm chương cho những người sáng lập. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Mục tiêu đó được xem là một nỗ lực tột cùng của ngành công nghệ thông tin Việt Nam bởi ở thời điểm đó, Việt Nam chưa làm được phần mềm. Sau thất bại ở Mỹ, Ấn Độ và các nước, các doanh nghiệp công nghệ thông tinViệt Nam đã tìm được con đường làm phần mềm thông qua Nhật Bản.

"Người Việt làm phần mềm bằng tiếng Nhật. Các kỹ sư Việt Nam đã được đưa sang Nhật để học tiếng Nhật, làm việc tại các công ty phần mềm Nhật Bản. Đây là bước hỗ trợ ban đầu của phía Nhật Bản để giúp ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam cất cánh và có tên trên bản đồ thế giới. Đến nay chúng ta có trên 1 triệu người làm công nghệ thông tin," ông Trương Gia Bình chia sẻ.

VINASA đặt mục tiêu ngành công nghệ thông tin đạt 150 tỷ USD doanh thu ảnh 3Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

VINASA và kỳ vọng trăm tỷ đô cho ngành công nghệ thông tin 

Hiện nay, doanh thu ngành công nghệ thông tin Việt Nam năm 2021 đã đạt 136 tỷ USD, gấp hơn 200 lần so với những năm 2000, với tốc độ tăng trưởng bình quân 30% mỗi năm. Tổng số lao động trong ngành hiện trên 1,2 triệu người, năng suất lao động cao hơn 7 - 8 lần so với năng suất lao động bình quân cả nước.

Chỉ tính riêng ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, từ 50 triệu USD doanh thu năm 2000 nay đã tăng lên hơn 9 tỷ USD năm 2021 với gần 300.000 kỹ sư.

Trên trường quốc tế, theo Gadner, Việt Nam nằm trong nhóm 1 - các thị trường mới nổi về cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin. Hà Nội nằm trong top 10, Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong top 20 thành phố mới nổi về xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin.

Công nghiệp công nghệ thông tin trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực quan trọng của tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Các doanh nghiệp ICT Việt Nam đang phát triển lớn mạnh, đi tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số.

Tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT, Chủ tịch VINASA cho biết, hiệp hội sẽ hướng đến mục tiêu đưa ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin cán mốc 50 tỷ USD doanh thu trong 10 năm và 150 tỷ USD trong 20 năm nữa.

Chia sẻ tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng và gửi lời cảm ơn tới VINASA vì những đóng góp cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam suốt 20 năm qua.

VINASA đặt mục tiêu ngành công nghệ thông tin đạt 150 tỷ USD doanh thu ảnh 4Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cách đây 20 năm công nghệ thông tin trở thành một lĩnh vực, một ngành kinh tế kỹ thuật, một ngành công nghiệp với việc Bộ Bưu chính Viễn thông được thành lập. Hiệp hội phần mềm Việt Nam ra đời trong bối cảnh đó.

Năm 2002, Ấn Độ có doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin gấp 200 lần Việt Nam thì 20 năm sau, khoảng cách ấy đã giảm hơn 10 lần.Việt Nam có thể tự hào vì đã dựng nên một ngành công nghiệp phần mềm có thứ hạng quốc tế cao, TOP 10 thế giới. Bộ trưởng mong muốn VINASA cần phải kế thừa quá khứ, từ đó mở ra tương lai.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, 10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng, từ công nghệ thông tin sang công nghệ số, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số, từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công phần mềm sang Make in Việt Nam, từ trọng tâm thị trường trong nước sang thị trường quốc tế.

Bộ trưởng Hùng mong muốn VINASA cần bắt kịp những chuyển dịch này để có những khởi tạo mới định hướng cho các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam.

"Trước hết, VINASA cần nhận lấy sứ mệnh quốc gia, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số và đưa Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ 21."/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục