Vinashin giảm nợ 10.000 tỷ sau tái cấu trúc đợt 1

Sau tái cấu trúc bước 1, tổng tài sản của Vinashin có 95.672 tỷ đồng, trong đó, tổng nợ phải trả là 76.241 tỷ đồng, giảm 10.000 tỷ đồng.
Sau khi chuyển giao và chia tách theo Quyết định số 926/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/6/2010 về việc tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), tổng tài sản của Vinashin có 95.672 tỷ đồng, trong đó, tổng nợ phải trả là 76.241 tỷ đồng, giảm 10.000 tỷ đồng so với thời điểm trước tái cấu trúc.

Hiện vốn chủ sở hữu còn 9.615 tỷ đồng (bao gồm cả phần cấp bổ sung tháng 10 vừa qua là 2.500 tỷ đồng). Tổng số lao động của Vinashin còn 42.660 người.

Phát biểu tại buổi họp báo công bố Đề án tái cơ cấu và tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn năm 2010, do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 19/11, ông Nguyễn Ngọc Sự, tân Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Vinashin cho hay, tính đến thời điểm 30/6/2010, tổng tài sản của Vinashin là 104.649 tỷ đồng, số nợ 86.565 tỷ đồng. Số nợ này không thể mất đi mà nằm trong các dự án đầu tư, đã và đang hình thành tài sản của Vinashin và cả những con tàu đang đóng dở dang.

Ông Sự quả quyết, với số nợ này, Vinashin nợ thì Vinashin sẽ tự trả, không ai phải trả thay.

Tại cuộc họp báo, ông Sự cho biết, thực hiện Quyết định số 926/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/6/2010 về việc tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, trong đó yêu cầu chuyển 12 công ty con của Vinashin về Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Tập đoàn đã chuyển giao xong 7 công ty con với 23 công ty cháu và 5 dự án với 5.137 người lao động, cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Tổng tài sản của các công ty được giao trên trị giá 21.247 tỷ đồng, với tổng số nợ phải trả là 24.112 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu có 919 tỷ đồng).

Sau chuyển giao và chia tách, Vinashin hiện còn 259 công ty con. Tổng tài sản của Vinashin có 95.672 tỷ đồng, trong đó, tổng nợ phải trả là 76.241 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 9.615 tỷ đồng (bao gồm cả phần cấp bổ sung tháng 10 vừa qua là 2.500 tỷ đồng). Tổng số lao động của Vinashin còn 42.660 người.

Trên cơ sở tái cấu trúc bước 1, Vinashin đã xây dựng đề án tái cấu trúc tổng thể Vinashin (bước 2). Theo đề án này, với yêu cầu là sau khi tái cơ cấu thì sẽ nâng cao năng lực sản xuất đóng mới và sửa chữa tàu biển tại 7 đầu mối lớn gồm ba Tổng công ty (Bạch Đằng, Nam Triệu, Phà Rừng) và bốn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Hạ Long, Cam Ranh, Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn, Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn) đã được đầu tư đủ năng lực đóng các gam tàu lớn từ 10.000 tấn đến 150.000 tấn. Làm vệ tinh cho 7 đầu mối lớn trên có 16 Công ty đóng và sửa chữa tàu vừa và nhỏ. Về lĩnh vực công nghiệp phụ trợ sẽ gồm 17 đơn vị.

Đối với lĩnh vực đào tạo phát triển nguồn nhân lực, Vinashin sẽ tiếp tục đầu tư tập trung cho Viện khoa học Công nghệ tàu thủy; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đạt chứng chỉ quốc tế… Trường cao đẳng nghề tại Hải Phòng sẽ được nâng cấp dần lên trường Đại học Công nghiệp đóng tàu.

Trên cơ sở đó, Vinashin dự kiến mô hình Tập đoàn sau khi tái cơ cấu bao gồm 43 công ty là công ty mẹ, 19 công ty con, 1 công ty liên kết, 22 công ty cháu. Công ty mẹ sẽ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tổng số lao động theo mô hình tổ chức mới 29.660 người. Tổng tài sản là 68.243 tỷ và tổng nợ phải trả 53.054 tỷ, vốn chủ sở hữu là 9.615 tỷ đồng.

Ngoài 43 doanh nghiệp được giữ lại theo mô hình Vinashin mới, Tập đoàn đã làm việc với các Tổng công ty, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, các công ty cổ phần để xác định các doanh nghiệp sẽ sắp xếp giảm là 216 doanh nghiệp.

Tập đoàn phấn đấu thực hiện tái cơ cấu 216 doanh nghiệp này trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế sau khi đánh giá chính xác thực trạng của từng doanh nghiệp và đảm bảo lộ trình sắp xếp sẽ được thực hiện từ tháng 11/2010 và dự kiến kết thúc vào năm 2013.

Theo ông Sự, các doanh nghiệp còn lại trên sẽ được xử lý dưới các hình thức chuyển nhượng vốn, bán, sáp nhập, giải thể phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.

Trước mắt, tập đoàn sẽ xây dựng phương án bán, chuyển nhượng phần góp vốn của Tập đoàn tự đầu tư tại các dự án, doanh nghiệp mà Tập đoàn không giữ chi phối hoặc góp vốn bằng thương hiệu theo quy định của pháp luật.

Ông Sự cũng cho biết, tổng giá trị sản lượng 10 tháng đầu năm của Vinashin đạt 12.395 tỷ đồng đạt 38% kế hoạch năm 2010, trong đó giá trị sản lượng đóng mới, sửa chữa tàu đạt 7.519 tỷ đồng bằng 45,8% kế hoạch năm 2010.

Hiện nay, số hợp đồng của Vinashin còn hiệu lực là 130 tàu với tổng giá trị khoảng 2,1 tỷ USD. Tính đến ngày 18/11/2010, Vinashin đã hoàn thành và bàn giao cho chủ tàu 36 tàu với tổng giá trị hợp đồng là 280,6 triệu USD. Tính cả năm 2010 các đơn vị trong toàn Tập đoàn sẽ bàn giao được ít nhất 57 tàu với tổng giá trị hợp đồng là 573,29 triệu USD.

Trong năm 2011, Vinashin dự kiến sẽ bàn giao được 75 tàu với tổng doanh thu 15.616 tỷ đồng. Với các tàu bị hủy mà vẫn tiếp tục phải thi công, các tàu do Vinashin làm chủ đầu tư, Tập đoàn đang triển khai thi công, làm việc với Vinalines để bán, điều chuyển./.

Uông Lam (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục