Vinatex phát triển thị trường nội địa tạo sức mạnh mới

Với tầm nhìn chiến lược phát triển của ngành dệt may Việt Nam tới 2020-2030, Vinatex đã rốt ráo thực hiện kế hoạch cho cú nhảy vọt.
Với tầm nhìn chiến lược phát triển của ngành dệt may Việt Nam tới 2020-2030, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã rốt ráo thực hiện kế hoạch cho cú nhảy vọt cả số lượng và chất lượng.

Bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành dệt may đang tìm hướng nâng cao sản lượng tiêu thụ nội địa nhằm tạo sức mạnh mới với mục tiêu chiếm khoảng 50% doanh thu.

Phát triển hệ thống phân phối

Trong năm qua, các doanh nghiệp thành viên của Vinatex đã nỗ lực đầu tư sản xuất, chú trọng đổi mới mẫu mã sản phẩm, củng cố và phát triển thương hiệu, mở rộng kênh phân phối để chiếm lĩnh thị phần tại thị trường trong nước.

Đáng chú ý, nhiều đơn vị có tăng trưởng cao như Tổng công ty May Đức Giang - Công ty cổ phần tăng 27%; các công ty trách nhiệm hữu hạn may mặc xuất khẩu Tân Châu, công ty cổ phần Đáp Cầu, công ty may Bình Minh tăng hơn 16%. Trong đó, hệ thống phân phối của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên-thương mại thời trang dệt may Việt Nam (Vinatexmart) đóng vai trò quan trọng đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Ông Trần Quang Nghị, Tổng Giám đốc Vinatex chia sẻ một trong những giải pháp mà Tập đoàn Dệt May Việt Nam thực hiện nhằm nâng cao sản lượng tiêu thụ nội địa là mở rộng hệ thống siêu thị mang tên Vinatexmart. Với giải pháp này, đến nay Vinatexmart đang sở hữu 82 siêu thị tại 28 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ngoài ra, các đơn vị thành viên của Vinatex cũng tích cực mở rộng hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý về khắp các tỉnh, thành phố với khoảng 4.000 điểm bán hàng. Kênh phân phối này đã góp phần đưa hàng Việt Nam chất lượng tốt, giá cả hợp lý đến người tiêu dùng. Nhờ vậy, năm 2012, Vinatex có doanh thu nội địa gần 1 tỷ USD, chiếm 30% tổng giá trị doanh thu, một kết quả đáng khích lệ so với mức 15% của những năm trước.

Với những giải pháp trên, năm nay Tập đoàn phấn đấu tổng doanh thu tăng từ 12-14%, trong đó doanh thu nội địa chiếm khoảng 50%.

Theo ông Phạm Phú Cường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Nhà Bè, bên cạnh việc giữ vững thị trường xuất khẩu, May Nhà Bè phát triển thị trường nội địa bằng cách phối hợp với Vinatexmart xây dựng siêu thị mini tại công ty cổ phần để giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Thân Đức Việt, Giám đốc kinh doanh Tổng Công ty May 10 cho biết không có lý do gì mà người tiêu dùng Việt Nam không được sử dụng hàng Việt Nam chất lượng quốc tế và điều đó là chiến lược xuyên suốt của Tổng Công ty. Chính vì thế, đơn vị luôn cố gắng đưa ra những sản phẩm tốt nhất có thể, chất lượng tốt nhất, kiểu dáng đẹp nhất và đẳng cấp quốc tế nhưng giá thì chỉ bán giá Việt Nam.

Với những ưu tiên riêng cho các “thượng đế” nội địa, vừa qua Tổng Công ty May 10 đã tập trung cho dòng sản phẩm mới mang nhãn hiệu Grusz và các dòng sản phẩm mang thương hiệu May 10 theo hướng chuyên biệt.

Theo đánh giá của ông Trần Quang Nghị, tại thị trường nội địa với 90 triệu dân, toàn ngành dệt may Việt Nam cũng mới đạt giá trị sản phẩm bán ra khoảng 2,5-3 tỷ USD mỗi năm. Nguyên nhân chính là việc triển khai sản xuất và phân phối hàng nội địa chưa thực sự hiệu quả, chưa thỏa mãn hoàn toàn nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài ra, nguồn nhân lực của ngành còn thiếu và chưa đáp ứng kỳ vọng cho phát triển nhất là đội ngũ kỹ thuật, thiết kế, marketing, quản lý...

Để đưa hàng hóa vào thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp đã phải tính đến phương án nhờ một nhà phân phối khác phân phối hoặc chỉ chuyên bán buôn cho các đầu mối. Điều đáng nói là số lượng sản phẩm tiêu thụ nội địa ở những doanh nghiệp này thường chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh thu. Đây là điều mà nhiều chuyên gia cho rằng khó có thể chấp nhận với một thị trường rộng lớn 90 triệu dân như Việt Nam.

Ngoài ra cũng có một nghịch lý nữa là do phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu nên giá thành của hàng dệt may Việt Nam thường cao, chỉ phù hợp với thị trường quốc tế, khó phù hợp với thị trường nội địa.

Tạo sức mạnh mới

Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Vinatex khuyến cáo để giải được bài toán nội địa, các doanh nghiệp dệt may cần phải chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách quy hoạch, khuyến khích hỗ trợ ngành dệt nhuộm phát triển nguồn nguyên liệu vì nếu không có nguyên liệu tốt trong nước thì không thể có hàng dệt may Việt Nam chất lượng cao để phục vụ người Việt Nam.

Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp tận dụng kinh nghiệm làm hàng xuất khẩu mở rộng sản xuất sang làm hàng nội địa bằng cách thay đổi quy cách, mẫu mã sản phẩm nhưng chất lượng không thay đổi so với hàng xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã đón đầu được tâm lý của khách hàng giới thiệu những mẫu mã có chất liệu thân thiện với môi trường, những đường nét đơn giản và tinh xảo trong kỹ thuật tạo khối cùng những chi tiết thêu đắp hoa, in, tạo nên những sản phẩm thời trang cao cấp, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng nội địa.

Bên cạnh đó, dự đoán được ngành dệt may cũng gặp nhiều khó khăn, sức mua giảm nhiều so với năm trước, đơn hàng nhỏ và giá cạnh tranh quyết liệt, khó nâng đơn giá xuất khẩu nên thời gian qua các doanh nghiệp đã tăng cường khai thác thị trường nội địa để cung cấp hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả hợp lý cũng là để duy trì sản xuất liên tục, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Hiện nhiều doanh nghiệp dệt may đang áp dụng công nghệ hướng tới sản xuất sạch hơn cũng như tập trung vào các mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước.

Đáng chú ý, các chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm như Vinatexmart, Đức Giang, May 10 đang là điểm đến của không ít khách hàng tiêu dùng nội địa bởi giá thành hợp lý, chất lượng không thua kém hàng xuất khẩu.

Để tiếp tục khai thác tốt năng lực sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như phát triển xuất khẩu, Tập đoàn Dệt May Việt Nam tiếp tục củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm tới tay người tiêu dùng ở mức thấp nhất, giảm thiểu những chi phí trung gian nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Việc cải tiến công nghệ, sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất để giảm chi phí góp phần giảm nhập siêu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng được chỉ đạo xuyên suốt đến các cơ sở nhằm tăng hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Theo ông Trần Quang Nghị, năm 2013, Tập đoàn sẽ hoàn tất tiến trình cổ phần hóa Công ty mẹ Tập đoàn. Mục tiêu của cổ phần hóa là tái cơ cấu hoạt động, sở hữu, nhằm cải thiện nhanh và vững chắc chỉ số hiệu quả của Tập đoàn.

Để cổ phần hóa thành công theo các mục tiêu, yêu cầu trong những năm gần đây Tập đoàn nỗ lực chuẩn bị mọi mặt như cải thiện quản trị doanh nghiệp cả Công ty mẹ và các Công ty con thành viên.

Khi cổ phần hóa xong, Vinatex có điều kiện phát triển nguồn nhân lực quản trị trung cao cấp đến từ các đối tác cổ đông chiến lược và cổ đông ngoài, bởi xu thế khi đầu tư vốn họ luôn muốn theo dõi, tham gia, hỗ trợ quản trị doanh nghiệp đã đầu tư. Đây là một nhân tố rất quan trọng để Vinatex có thêm nguồn quản trị chất lượng cao và đẩy mạnh đầu tư, đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của ngành Dệt May Việt Nam./.

Uyên Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục