Vĩnh Phúc: Ngành công nghiệp nỗ lực phục hồi hậu dịch COVID-19

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, mở rộng tín dụng, giãn, giảm lãi suất cho vay là những giải pháp được ngành công nghiệp Vĩnh Phúc đưa ra nhằm nỗ lực phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19.
Vĩnh Phúc: Ngành công nghiệp nỗ lực phục hồi hậu dịch COVID-19 ảnh 1Dây chuyền sản xuất hàng may mặc Việt Nam tại khu công nghiệp Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Ngành Công thương tỉnh Vĩnh Phúc và chính quyền các địa phương đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn tất các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh hậu dịch COVID-19.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ hình thành 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 688ha.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh hình thành 18 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 376ha, trong đó có 13 cụm đã được thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng.

Thống kê của Sở Công thương cho thấy, 4 cụm công nghiệp: Yên Đồng, Tề Lỗ, thị trấn Yên Lạc và Hùng Vương-Phúc Thắng đã cơ bản xây dựng xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Tính đến hết năm 2019, các cụm công nghiệp đã thu hút 541 hộ gia đình, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh, giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng công tác đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương cho biết các cụm công nghiệp chủ yếu mới được chuyển chủ đầu tư nên gặp phải không ít khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư.

Cụ thể, cụm công nghiệp Hùng Vương-Phúc Thắng (thành phố Phúc Yên) còn 1 hộ dân chưa nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng; cụm công nghiệp Đồng Sóc (Vĩnh Tường) giai đoạn 1 còn 15 hộ chưa nhận tiền đền bù; cụm công nghiệp Thị trấn Yên Lạc còn gặp khó khăn về việc thu hồi đất để đầu tư xây dựng khu vực trạm xử lý nước thải tập trung; cụm công nghiệp Đồng Văn (Yên Lạc) còn một số hộ dân nằm trong diện phải thu hồi đất không nhận tiền bồi thường mà yêu cầu chủ đầu tư trả giá rất cao, nên chưa thể hoàn thành việc giải phóng mặt bằng phần còn lại (khoảng 6,2ha).

Một số cụm công nghiệp đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang bắt đầu triển khai thi công xây dựng hạ tầng như cụm công nghiệp Đồng Sóc (Vĩnh Tường), cụm công nghiệp Thanh Lãng (Bình Xuyên), tuy nhiên, quá trình thi công lại rơi vào thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp dẫn đến chậm tiến độ.

Với mục tiêu sớm hoàn tất, đưa vào khai thác, cung ứng mặt bằng cho các nhà đầu tư thứ cấp, phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, ngay từ đầu năm, Sở Công thương phối hợp với các địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn tất các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp.

Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19, đẩy nhanh tiến độ thi công các cụm công nghiệp đang xây dựng, mở rộng.

[Dịch COVID-19: Vĩnh Phúc ổn định hoạt động cho các doanh nghiệp]

Tại cụm công nghiệp Thanh Lãng (Bình Xuyên), tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị thi công đang tích cực triển khai các hạng mục để kịp tiến độ bàn giao cho đơn vị quản lý vào cuối năm. Đến nay, công ty đã hoàn tất 80% khối lượng hạng mục san nền bổ sung, phấn đấu đến cuối tháng 5/2020 sẽ hoàn thành hạng mục này.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Bình Xuyên cho biết, cụm công nghiệp Thanh Lãng được hình thành nhằm phục vụ việc di dời các cơ sở sản xuất mộc ở thị trấn Thanh Lãng.

Để cụm sớm hoàn tất việc xây dựng hạ tầng và đưa vào sử dụng, Ủy ban Nhân dan huyện Bình Xuyên chỉ đạo các nhà thầu tập trung máy móc, trang thiết bị kỹ thuật và nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công; đồng thời, phân công cán bộ thường xuyên có mặt ở công trường giám sát chặt chẽ việc phòng, chống dịch COVID-19 cho người lao động trong quá trình thi công, tiến độ xây dựng và chất lượng từng hạng mục theo đúng thiết kế đã được phê duyệt. Nhờ vậy, mặc dù dịch làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thi công song tiến độ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Thanh Lãng vẫn được bảo đảm.

Cụm cụm công nghiệp Đồng Sóc được Ủy ban Nhân dấn tỉnh phê duyệt thành lập tại Quyết định số 1231 ngày 1/6/2018 với quy mô 75ha. Đến nay, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại Vĩnh Phúc - đơn vị chủ đầu tư đã lập và được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy định, đồng thời, hoàn tất việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Hiện Công ty đang thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai và công tác giải phóng mặt bằng, mời thầu, lựa chọn nhà thầu thi công đủ năng lực để thi công các hạng mục công trình trong thời gian sớm nhất.

Các cụm công nghiệp còn lại như cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương, cụm công nghiệp Trung Nguyên, cụm công nghiệp Vĩnh Sơn, cụm công nghiệp Đồng Thịnh… cũng đang chuẩn bị các thủ tục để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch COVID-19.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có gần 11.000 doanh nghiệp. Trong 2 tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 chưa ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh bởi nguồn vật tư, vật liệu vẫn còn tích trữ trong kho, chưa biến động về lao động, thu nhập của người lao động vẫn duy trì đều đặn và giữ ở mức tương đối ổn định.

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh trong 2 tháng đầu năm nay vẫn tăng 6,53% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,4%, tỉnh có 16/24 ngành công nghiệp trong tỉnh có sản xuất tăng.

Tuy nhiên, từ tháng Ba và đầu tháng Tư, qua khảo sát, kiểm tra của Đoàn kiểm tra tình hình sản xuất-kinh doanh tỉnh Vĩnh Phú, không ít doanh nghiệp đã phản ánh gặp khó trong cả vấn đề đầu ra và đầu vào, thông thương hàng hóa. Các hợp đồng và đơn đặt hàng của các đối tác với doanh nghiệp ít hơn, thậm chí bị hủy bỏ.

Chính vì thế, việc duy trì sản xuất kinh doanh đều đặn, giải quyết công ăn việc làm ổn định của các doanh nghiệp... là một bài toán khó khăn của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cả trong và ngoài khu công nghiệp để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tỉnh tiếp tục khảo sát, nắm bắt cụ thể tình hình về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động ở các doanh nghiệp trên địa bàn; tập trung chỉ đạo hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để động viên, hỗ trợ hiệu quả người lao động quay trở lại đơn vị làm việc cũng như tìm kiếm, tuyển dụng lao động mới cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, tỉnh phối hợp với các tỉnh như Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang... để có thêm nguồn lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong bồi thường giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng, có chính sách giãn, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục