Virus corona ‘lật tẩy’ sự phụ thuộc của OPEC vào Trung Quốc

Nỗi lo sợ về sự giảm tốc kinh tế, bị kích động bởi đợt bùng phát virus corona tại Trung Quốc, đã hướng sự chú ý tới OPEC, vốn phụ thuộc lớn vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Virus corona ‘lật tẩy’ sự phụ thuộc của OPEC vào Trung Quốc ảnh 1Nhà máy lọc dầu của Công ty Aramco ở Saudi Arabia tháng 9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AFP/Trang mạng moderndiplomacy.eu, thành phố Vũ Hán đang bị phong tỏa. Hơn 50 triệu người đeo khẩu trang ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Hiếm khi nào trong lịch sử, nhân loại phải đối mặt với mối đe dọa virus gây hậu quả khủng khiếp như vậy. Những con người bất hạnh ở tỉnh Hồ Bắc có thể biết rằng khoa học cuối cùng sẽ có thể giải cứu họ; nhưng mối đe dọa về dịch bệnh toàn cầu và vết nhơ này có thể sẽ tồn tại mãi mãi.

Ngay sau khi đợt bùng phát virus gây sự chú của toàn thế giới, giới chức y tế Anh đã nhanh chóng đề cập đến những thông tin ít ỏi mà các đối tác Trung Quốc chia sẻ, thông tin về số ca nhiễm mới và số người chết do chủng mới của virus corona gây ra cũng rất mập mờ. Rõ ràng rằng đây là một bệnh dịch kiểu mới.

Nỗi lo sợ về sự giảm tốc kinh tế, bị kích động bởi đợt bùng phát virus corona tại Trung Quốc, đã hướng sự chú ý tới Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), vốn phụ thuộc lớn vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Phát biểu với AFP, nhóm nghiên cứu JBC Energy cho biết: “Trung Quốc đang ngày một trở nên quan trọng với các nước OPEC trong những năm gần đây.”

[OPEC+ kêu gọi gia hạn cắt giảm sản lượng vì lo ngại virus corona]

Hơn 2/3 lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc là từ các nước OPEC và Nga. Sau đợt sụt giảm của giá dầu, OPEC và Nga - nước đồng minh sản xuất dầu chính của tổ chức này - đã tiến hành cuộc họp trong tuần để thảo luận về tình hình hiện này.

Trong một dấu hiệu cho thấy các khó khăn đang bủa vây, các đại biểu OPEC tham dự cuộc họp ở Vienna cho biết sự kiện này sẽ tiếp tục trong ngày 6/2.

Tuy nhiên, đây không phải là cuộc họp chính thức về sản lượng dầu mỏ, như trong cuộc họp hồi tháng 12/2019 khi OPEC và các đồng minh OPEC+ đồng ý gia hạn thỏa thuận hiện hành nhằm hạn chế sản lượng dầu thô để nâng giá dầu.

Saudi Arabia và Nga hiện là các nước cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc. Tuy nhiên, về tổng thể, OPEC sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự sụt giảm về nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc.

Bất luận việc tăng nhẹ trở lại hôm 5/2, nhìn chung giá dầu đã tụt dốc “thảm hại” trong các tuần qua do lo sợ về sự giảm tốc kinh tế toàn cầu bị kích động bởi Trung Quốc.

Giá dầu sụt giảm khiến nhiều người tỏ ra quan ngại về OPEC bởi 13 quốc gia thành viên của tổ chức này sản xuất khoảng 1/3 lượng dầu thô thế giới và hiện đang lo ngại về nguồn thu của họ bởi nhu cầu yếu đi của Trung Quốc.

Yujiao Lei, nhà phân tích tại nhóm nghiên cứu Wood Mackenzie, nói: “Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, chiếm 13% nhu cầu dầu mỏ của thế giới. Hơn 1/3 tăng trưởng trong nhu cầu dầu mỏ thế giới tới từ Trung Quốc. Bởi không có đủ nguồn cung trong nước, sự phụ thuộc của Trung Quốc ngày một gia tăng, khiến Trung Quốc trở thành một trong các thị trường quan trọng của OPEC.”

Tuần này, Saudi Arabia nói rằng tác động của virus Corona đối với nhu cầu dầu mỏ của thế giới là “vô cùng hạn chế” và “được kích động bởi các yếu tố tâm lý.”

Tuy nhiên, theo JBC Energy, “các nước OPEC/OPEC+ chỉ có một lựa chọn duy nhất, và đó sẽ là tuyên bố cắt giảm nguồn cung hơn nữa, nếu không giá dầu sẽ lại tiếp tục sụt giảm” trong bối cảnh thế giới chưa thể kiềm chế sự lây lan của virus.

Naeem Aslam, nhà phân tích của Avatrade, nói: “Giá dầu đang chịu sức ép lớn kể từ sau đợt bùng phát virus corona bởi các nhà đầu tư đều quan ngại về nhu cầu dầu.

Nhiều người dự đoán rằng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc- hiện ở mức gần 11 triệu thùng/ngày trong đầu tháng 2/2020- sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Chúng tôi dự đoán rằng con số đó sẽ giảm xuống 7 triệu thùng/ngày”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục