Virus corona tác động đến tăng trưởng kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

Việc WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với virus corona chủng mới sẽ tác động đến kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, nước chịu tác động của căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc.
Virus corona tác động đến tăng trưởng kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc ảnh 1Người dân đeo khẩu trang đề phòng lây nhiễm virus corona tại Nara, Nhật Bản. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Theo các nhà phân tích, việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) đối với chủng mới của virus corona (2019nCoV) có thể là một đòn giáng vào Nhật Bản trong bối cảnh nền kinh tế của nước này đang hưởng lợi lớn từ chi tiêu của khách du lịch nước ngoài tại Nhật Bản.

Nhà kinh tế Takahide Kiuchi thuộc Viện Nghiên cứu Nomura cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản năm 2020 có thể giảm 0,45%, hay 2.480 tỷ yen (khoảng 22,7 tỷ USD) nếu bệnh viêm phổi do virus corona mới tác động đến lượng du khách nước ngoài đến nước này kéo dài trong một năm.

Nếu dịch bệnh đang lây lan trên toàn cầu này được kiểm soát trong vòng vài tháng, thì tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản sẽ giảm 0,14%, tương đương 776 tỷ yen.

[Ngày chết chóc nhất tại Vũ Hán, số ca tử vong vì virus corona lên 212]

Theo nhà nghiên cứu Kiuchi, ngoài lượng du khách đến Nhật Bản dự báo giảm, chi tiêu cá nhân của người tiêu dùng Nhật Bản giảm cũng như sự đình trệ hoạt động của ngành chế tạo và nền kinh tế toàn cầu có thể là những yếu tố bổ sung khi dự báo về tác động của virus corona đối với nền kinh tế Nhật Bản.

Những dự báo trên được đưa ra vào thời điểm trước khi WHO tuyên bố về tình trạng khẩn cấp toàn cầu, đã dựa trên kịch bản lượng du khách sụt giảm với tốc độ tương tự của thời kỳ dịch Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2002-2003. Tháng 5/2003, lượng khách du lịch tới Nhật Bản đã giảm 34,2%.

Tuy nhiên, trước diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng tại Trung Quốc với hơn 9.600 trường hợp, vượt số người nhiễm SARS, các nhà phân tích cho rằng tác động đối với kinh tế Nhật Bản trong năm nay có thể lớn hơn nhiều so với thời kỳ dịch SARS do sức tiêu thụ của du khách tại Nhật Bản trong năm 2019 chiếm 0,8% GDP, tăng mạnh so với mức 0,1% GDP năm 2002.

Trong khi đó, nhà kinh tế Kazuma Maeda thuộc Công ty Barclays Securities Jâpn Ltd nhận định rằng nền kinh tế Nhật Bản vào thời điểm này dễ bị tổn thương hơn.

Ông nói: "Hoạt động trong ngành dịch vụ đang gặp bất lợi do lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Nhật Bản giảm bắt nguồn từ quan hệ căng thẳng giữa hai nước cũng như việc Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng từ 8 lên 10% từ tháng 10/2019."

Trong năm 2019, lượng khách du lịch Trung Quốc tới Nhật Bản đã tăng lên 9,59 triệu lượt người, tăng hơn 20 lần so với năm 2003 sau khi Tokyo nới lỏng dần các yêu cầu về thị thực.

Hiện nay, khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 30% trong tổng số khách du lịch nước ngoài tới Nhật Bản và là nhóm khách du lịch lớn nhất kể từ năm 2015.

Nhờ đó, khách du lịch Trung Quốc đã giúp bù đắp cho lượng du khách Hàn Quốc tới Nhật Bản sụt giảm do quan hệ giữa Tokyo và Seoul căng thẳng liên quan tới tranh chấp thương mại và bồi thường cho lao động thời chiến.

Trong khi đó, các nhà phân tích thuộc công ty SMBC Nikko Capital Securities Co cho rằng GDP của Nhật Bản sẽ giảm 0,3% trong 3 tháng đầu năm nay do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và toàn cầu sụt giảm.

Theo các nhà phân tích, việc WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với virus corona chủng mới sẽ tác động đến kinh tế Nhật Bản, nước đang chịu tác động của căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như việc Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng.

Không chỉ kinh tế Nhật Bản có nguy cơ chịu tác động từ dịch bệnh do virus corona gây ra, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc dự báo sẽ giảm khoảng 0,1-0,2%  trong năm 2020 trong bối cảnh virus corona mới đang lây lan nhanh chóng.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Viện Nghiên cứu kinh tế Hyundai vừa công bố báo cáo nhận định virus corona chủng mới lây lan sẽ khiến thị trường tài chính biến động mạnh, xuất khẩu và du lịch thu hẹp, tương tự thời điểm SARS, hay Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) bùng phát trong quá khứ.

Dựa trên những kinh nghiệm từ dịch SARS và MERS, các chuyên gia thuộc viện trên đã phân tích các tác động của hai trường hợp, một là virus corona chủng mới chỉ tập trung ở Trung Quốc, hai là virus này lan rộng sang Hàn Quốc.

Trong trường hợp virus corona chủng mới chỉ giới hạn ở Trung Quốc, ước tính lượng khách du lịch người nước ngoài tới Hàn Quốc từ tháng Một đến tháng Tư năm nay sẽ đạt khoảng 616.000 lượt người, khiến thu nhập ngành du lịch Hàn Quốc giảm 900 tỷ won (gần 760 triệu USD) trong khi tiêu thụ nội địa Hàn Quốc sẽ giảm khoảng 0,1%.

Nếu dịch viêm phổi do virus corona chủng mới lan rộng sang Hàn Quốc, ước tính lượng khách du lịch quốc tế sẽ chỉ đạt tối đa khoảng 2.021.000 lượt người, khiến thu nhập ngành du lịch giảm tới 2.900 tỷ won (2,45 tỷ USD) và tiêu thụ nội địa dự kiến sẽ giảm từ 0,3-0,4%.

Dự đoán xuất khẩu của Hàn Quốc cũng sẽ giảm từ 150-250 triệu USD do nhu cầu ở nội địa Trung Quốc giảm mạnh.

Do vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2020 của Hàn Quốc sẽ giảm từ 0,2-0,3% trong trường hợp dịch bệnh chỉ giới hạn ở Trung Quốc, giảm 0,6-0,7% nếu dịch bệnh lây lan sang Hàn Quốc.

Điều này dẫn tới lo ngại tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ giảm tối đa 0,1% nếu dịch bệnh chỉ giới hạn ở Trung Quốc, 0,2% khi dịch bệnh lan rộng sang cả Hàn Quốc.

Viện trên cũng khuyến cáo Chính phủ Hàn Quốc cần chia sẻ minh bạch các thông tin liên quan để người dân bớt bất an, đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân trong nửa đầu năm để duy trì xu thế hồi phục kinh tế, lập ngân sách bổ sung, đưa ra các chính sách vực dậy nền kinh tế khi thấy dấu hiệu đi xuống.

Cuối cùng, Viện Nghiên cứu kinh tế Hyundai nhấn mạnh chính phủ cần tăng cường tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ lẻ, tầng lớp thu nhập thấp, lĩnh vực nhà hàng, du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục