VJEPA phù hợp với lợi ích của Việt Nam-Nhật Bản

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình nhấn mạnh Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) được Quốc hội Nhật Bản thông qua rất đúng lúc, góp phần thực hiện các thỏa thuận giữa hai bên về mặt kinh tế với tư cách là đối tác chiến lược của nhau.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình nhấn mạnh Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) được Quốc hội Nhật Bản thông qua rất đúng lúc, góp phần thực hiện các thỏa thuận giữa hai bên về mặt kinh tế với tư cách là đối tác chiến lược của nhau.

Trả lời phỏng vấn của TTXVN nhân dịp Quốc hội Nhật Bản thông qua VJEPA và Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 24/6, Đại sứ cũng cho rằng việc VJEPA được đàm phán và ký kết trong một thời gian tương đối ngắn, khoảng 21 tháng, chứng tỏ Việt Nam và Nhật Bản đều có nhu cầu sớm kết thúc đàm phán và hiệp định phù hợp với lợi ích của cả hai bên.

Về các bước đi tiếp theo để Việt Nam triển khai thực hiện hiệp định một cách hiệu quả, Đại sứ Nguyễn Phú Bình cho rằng việc VJEPA chính thức có hiệu lực không có nghĩa là hiệp định sẽ được triển khai một cách suôn sẻ ngay từ đầu mà cần phải có một số bước chuẩn bị. Chẳng hạn, đối với vấn đề xuất khẩu hàng nông sản từ Việt Nam sang Nhật Bản, khi Nhật Bản đã mở cửa thị trường nông sản cho Việt Nam, phía Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường này, trong đó có vấn đề kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là những vấn đề không chỉ "nóng" ở Nhật Bản mà còn cả ở Việt Nam. Do đó, hai bên cần nhanh chóng hợp tác để xây dựng hệ thống kiểm dịch và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm giữa hai bên.

Đại sứ Nguyễn Phú Bình cũng cho biết một vấn đề khó khăn nữa trong quá trình đàm phán VJEPA là việc Nhật Bản mở cửa thị trường lao động cho lực lượng y tá và hộ lý của Việt Nam vào làm việc tại nước này.

Mặc dù Nhật Bản đã ký hiệp định với nhiều nước trong lĩnh vực trên, song người Nhật Bản luôn cho rằng người Việt Nam có một nền văn hóa và tư duy tương đồng với người Nhật Bản. Do đó, những đối tượng cần được chăm sóc ở Nhật Bản rất muốn lực lượng y tá và hộ lý của Việt Nam làm việc tại nước này.

Tuy nhiên, hệ thống văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam và Nhật Bản có nhiều khác biệt. Ở Nhật Bản, y tá hoặc hộ lý muốn hành nghề phải có chứng chỉ quốc gia, trong khi ở Việt Nam chưa có. Theo hiệp định, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo các y tá và hộ lý tại Nhật Bản, sau đó họ sẽ làm việc tại Nhật Bản ít nhất 7 năm.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ giúp Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo và có hệ thống chứng chỉ quốc gia để tạo dựng nguồn nhân lực đủ tiêu chuẩn làm việc ở Nhật Bản và một số nước khác. Tuy nhiên, theo Đại sứ Nguyễn Phú Bình, vấn đề này không đơn giản nên các cơ quan chức năng của hai bên cần tiếp tục thương lượng để đi đến thỏa thuận cụ thể về vấn đề này.

Một nội dung khác trong VJEPA là việc Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Trên thực tế, nội dung này đã được hai nước triển khai. Điều đó sẽ giúp cho hàng hóa của Việt Nam không chỉ là các sản phẩm gia công mà còn là hàng hóa có chất lượng và giá trị cao để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và nhiều nước khác, Đại sứ nhấn mạnh.

Theo Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nội dung của hiệp định JVEPA rất phong phú, do đó khối lượng công việc hai bên cần làm để triển khai hiệp định hiệu quả là rất lớn. Đại sứ tin tưởng rằng với sự nỗ lực của cả hai bên, hiệp định sẽ sớm được vận dụng trong thực tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục