VN cần tăng độ tuổi nghỉ hưu để cân đối quỹ hưu trí

Đưa ra cảnh báo về sự cạn kiệt quỹ hưu trí, ILO khuyến nghị Việt Nam nên xem xét tăng độ tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi để cân đối quỹ hưu trí.
Với chính sách hiện hành, quỹ hưu trí của Việt Nam đến năm 2023 chỉ có thể đủ thu-chi trong năm, để đảm bảo khả năng chi trả thì phải lấy từ nguồn kết dư của Quỹ bảo hiểm xã hội. Đến năm 2029 Quỹ hưu trí Việt Nam sẽ cạn kiệt và mất khả năng chi trả. Do vậy, Việt Nam cần phải tăng độ tuổi nghỉ hưu để cân đối quỹ hưu trí.

Đây là khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ Lao động-Thương binh Xã hội và Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 6/6 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo bà Trần Thị Thúy Nga, Tổ trưởng Tổ biên tập Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các cơ quan chức năng chưa thống kê được số người bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội. Hiện số người tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp, chỉ mới chiếm 20% lực lượng lao động; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng chỉ đạt 0,22%. Hiệu quả hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội chưa cao do hình thức đầu tư chưa đa dạng, đội ngũ cán bộ bảo hiểm xã hội chưa chuyên nghiệp về nghiệp vụ đầu tư. Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung nhiều điểm mới liên quan đến quỹ hưu trí và tử tuất. Theo đó, để cân đối quỹ hưu trí, dự thảo đưa ra lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng cho đến khi tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ bằng nhau là 62 tuổi; đồng thời nâng thêm 5 tuổi đối với người nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động; tăng dần số năm đóng bảo hiểm xã hội.

Về chế độ tử tuất, dự thảo quy định cho phép thân nhân người lao động được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất 1 lần. Dự thảo cũng quy định việc hợp nhất quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện với quỹ hưu trí và tử tuất.

Ghi nhận những điểm mới của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhưng theo đánh giá của ông Philip Okeefe, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới, dân số Việt Nam sẽ già hóa, lúc đó cần tính toán kỹ mức lương hưu xã hội sẽ là bao nhiêu để đảm bảo khả năng chi trả của ngân sách, nên áp dụng chế độ lương hưu xã hội toàn dân hay là có đối tượng mục tiêu?

Các nước đang phát triển hiện gặp khó khăn trong việc mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội. Việt Nam có mục tiêu mở rộng diện bao phủ rất cao so với thu nhập, đến năm 2020 sẽ bao phủ 50%. Mục tiêu này sẽ đạt được nếu Việt Nam bao phủ được trong khu vực chính thức tuy nhiên ngay cả hệ thống bảo hiểm xã hội cũng chưa quản lý được các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Điểm nghẽn của hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn là vấn đề triển khai khi mà hệ thống bên dưới vẫn manh mún, quy trình nghiệp vụ chưa được hiện đại hóa. Các cải cách bảo hiểm xã hội của Việt Nam sẽ không thành công nếu không chuyển đổi cơ quan bảo hiểm xã hội trở thành một tổ chức hướng tới khách hàng, phục vụ khách hàng.

Ông Philip Okeefe đưa ra 3 phương án là mở rộng độ bao phủ của khu vực chính thức hiện tại để lấn sang hệ thống phi chính thức; mở rộng lương hưu xã hội ở mức đáng kể; các chương trình mức đóng xác định có đối ứng của Nhà nước nhằm khuyến khích sự tham gia.

Theo khuyến nghị của Tổ chức ILO, để cân đối quỹ lương hưu xã hội của tất cả các nước nói chung cần tăng đội tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi, áp dụng tỉ suất tích lũy thống nhất là 1,5 hoặc 2%, điều chỉnh lương hưu theo mức tăng lương. Có như vậy chương trình lương hưu mới có tính khả thi hơn về tài chính, dễ dự báo hơn và tạo động cơ làm việc cho người tham gia gắn với việc tăng tuổi nghỉ hưu./.

Trần Xuân Tình (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục