VN có thể giảm ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh

Nhóm điều phối Chương trình về giảm nhẹ thiên tai và các tình trạng khẩn cấp (PCG 10) đánh giá rằng Việt Nam có các chính sách, năng lực đủ để giảm rủi ro, giảm ảnh hưởng của thiên tai, các dịch bệnh lây lan và các tình trạng khẩn cấp khác.

Nhóm điều phối Chương trình về giảm nhẹ thiên tai và các tình trạng khẩn cấp (PCG 10) đánh giá rằng Việt Nam có các chính sách, năng lực đủ để giảm rủi ro, giảm ảnh hưởng của thiên tai, các dịch bệnh lây lan và các tình trạng khẩn cấp khác.
 
Ngày 8/12, PCG cùng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn bàn thảo kế hoạch ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và cách tiếp cận theo từng nhóm, ngành tại Việt Nam.
 
Theo PCG, Việt Nam đã chứng tỏ được "sự trưởng thành mạnh mẽ trong quản lý thiên tai" với những chuyển biến từ các biện pháp công trình (xây đê, kè…) cho tới một sự tổng hợp giữa các biện pháp công trình và phi công trình.
 
Trong năm 2008, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đã trình Chính phủ cho phép thành lập Cục quản lý thiên tai, lên kế hoạch ứng phó với dịch bệnh, nghiên cứu các cơ chế điều phối rộng hơn cho các tình trạng khẩn cấp. Sáu tháng cuối năm 2008, Bộ này cũng đã khởi động kế hoạch quốc gia nhằm khuyến khích công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa trên cộng đồng 63 tỉnh thành trên cả nước.
 
Do ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu tại Việt Nam, công tác quản lý phòng, chống thiên tai trở nên quan trọng. Thủ tướng chính phủ yêu cầu, tất cả các bộ ngành lên kế hoạch hành động cho biến đổi khí hậu, kế hoạch ứng phó với thiên tai. Chiến lược quốc gia về Phòng chống thiên tai và Giảm nhẹ thiên tai cho đến năm 2020 đã được chính phủ phê duyệt ngày 16/11/2007
 
Ông Ugo Blanco, chuyên gia thuộc Chương trình phát triển Liên hợp quốc khẳng định, thời gian tới, bối cảnh quản lý thiên tai tại Việt Nam sẽ có các cải thiện, thay đổi lớn. "Việc Thủ tướng thông qua chương trình thiên tai bốn năm của Liên hợp quốc là cơ hội hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong giai đoạn hiện đại hóa," ông nói.
 
Tuy nhiên, vấn đề lựa chọn thông tin, nghiên cứu cần triển khai này không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh có nhiều ưu tiên, mối quan tâm khác, có thể sẽ dẫn tới việc thiếu hụt thông tin.
 
Theo ông, một chương trình gồm nhiều bên liên quan với nhiều kế hoạch làm việc khác nhau sẽ đòi hỏi hệ thống điều phối tốt nhằm giảm chồng chéo, đảm bảo tính hiệu quả của các trợ giúp quốc tế.
 
Một kế hoạch khung, nhằm hài hoà, bổ trợ cho nhau là điểm mạnh của các tổ chức Liên hợp quốc. Theo ông Ugo Blanco, để tránh việc các đối tác nước ngoài cạnh tranh với nhau thì các tổ chức quốc tế cần phối hợp làm việc dựa trên chuyên môn, kinh nghiệm và khả năng của từng đối tác.
 
Trong khi đó, ông Trần Văn Tuấn, cán bộ Chương trình đối tác về giảm nhẹ thiên tai quốc gia, đề xuất: “Trong bối cảnh hiện nay, nếu các địa phương đều lồng ghép chương trình phòng chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội sẽ hiệu quả hơn.”
 
Ông Chiristophe Bahuet, đại điện UNDP nhận định, tính cam kết cao và sự chỉ đạo sát sao là cơ hội để cải thiện các cơ chế quản lý thiên tai tại Việt Nam. Vi vậy, cách tiếp cận của lãnh đạo các tổ chức quốc tế sẽ lớn hơn trước.
 
Theo Ban điều phối chương trình, Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ được công tác quản lý, giảm nhẹ thiên tai. Việt Nam cũng là một trong những trung tâm thu hút nhiều nghiên cứu, với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc về môi trường./.
 
(Hải Vân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục