VN coi phòng chống tác hại thuốc lá là vấn đề y tế công cộng hàng đầu

Hiện nay, hơn 75% các ca tử vong ở Việt Nam hằng năm là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó sử dụng thuốc lá là một nguyên nhân chính.
VN coi phòng chống tác hại thuốc lá là vấn đề y tế công cộng hàng đầu ảnh 1Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam luôn xác định phòng chống tác hại thuốc lá là vấn đề y tế công cộng được quan tâm hàng đầu. Bởi việc sử dụng thuốc lá phổ biến ở Việt Nam là một nguyên nhân làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm một cách nhanh chóng trong thời gian qua.

Thông tin trên được Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống Tác hại Thuốc lá cho biết tại Hội thảo nhóm chuyên gia về phòng chống tác hại thuốc lá do Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam và Quỹ Bloomberg Philanthropies tổ chức ngày 10/10, tại Hà Nội.

Hoàn thiện dần hành lang pháp lý

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê phân tích việc sử dụng thuốc lá là một nguyên nhân làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi... Đây là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ giới Việt Nam. Hơn 75% các ca tử vong ở Việt Nam hằng năm là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó sử dụng thuốc lá là một nguyên nhân chính.

[Cô gái bị rối loạn tâm thần vì hút thuốc lá thế hệ mới quá nhiều]

Những năm qua, được sự hỗ trợ và đồng hành của Quỹ Bloomberg Philanthropies, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hành lang pháp lý cho công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đã dần hoàn thiện, đánh dấu bằng sự ra đời của Luật Phòng chống Tác hại của thuốc lá năm 2012, với quy định các địa điểm cấm hút thuốc lá, các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và tạo nguồn kinh phí bền vững cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam.

Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá ngày càng được đẩy mạnh tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đáng lưu ý khi mạng lưới về phòng chống tác hại của thuốc lá được thành lập, với hơn 20 bộ, ngành và các tổ chức chính trị xã hội, 63 tỉnh, thành phố. Ngày càng có nhiều các cơ quan, tổ chức, các trường đại học, các viện nghiên cứu tham gia vào hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá.

Hiện tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá trong nam giới từ 15 tuổi trở lên giảm từ 42,3% (năm 2020) xuống 38,9% (năm 2022). Tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá trong học sinh độ tuổi từ 13 đến 15 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022).

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh những kết quả trong hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá trong thời gian vừa qua có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam cũng như những nỗ lực của Bộ Y tế, của Quỹ Phòng chống Tác hại thuốc lá trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá. Những thành quả này có phần hỗ trợ rất lớn của Quỹ Bloomberg Philanthropies cùng các tổ chức quốc tế và trong nước cho các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo đánh giá của Bộ Y tế, bên cạnh những thành công nhất định, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn như: Công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá còn chưa được thường xuyên, giá thuốc lá rẻ, bày bán khắp nơi; vi phạm quảng cáo, trưng bày tại điểm bán còn phổ biến.

Hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc lá tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao, đặc biệt là nam giới. Tỷ lệ hút thuốc lá trong nữ giới gia tăng, sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang đe dọa những thành quả hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá của Việt Nam trong hơn 10 năm qua.

VN coi phòng chống tác hại thuốc lá là vấn đề y tế công cộng hàng đầu ảnh 2Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13-15 là 3,5%.

Vì vậy, Bộ Y tế mong muốn Quỹ Bloomberg Philanthropies và các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 và Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; đặc biệt là vấn đề tăng thuế thuốc lá, ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về tác hại của các sản phẩm thuốc lá, của các sản phẩm thuốc lá mới trên cả các phương tiện truyền thông.

Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế cũng bày tỏ sự lo ngại thuốc lá thế hệ mới đang có xu hướng tăng nhanh trong đối tượng thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ. Do vậy, cần phải có sự phối hợp liên ngành trong phòng chống tác hại thuốc lá và cần tạo ra một phong trào rộng khắp.

Các đại biểu đã thảo luận và tìm giải pháp 5 nhóm vấn đề: Thực hiện các quy định về môi trường không khói thuốc; Cai nghiện thuốc lá và thuốc lá mới; Cảnh báo sức khỏe; Quảng cáo, khuyến mại và tài trợ; Thuế và Giá thuốc lá./.

Trước đó, chiều ngày 9/10, tại trụ sở Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - Chủ tịch Hội đồng quản lý liên ngành Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã tiếp bà Betsy Fuller, Quản lý chương trình cao cấp Chương trình y tế công cộng Quỹ từ thiện Bloomberg và các thành viên của đoàn chuyên gia.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Quỹ Phòng chống Tác hại của thuốc lá làm việc với Quỹ từ thiện Bloomberg để bàn bạc những nội dung là thứ tự ưu tiên trong hợp tác giữa hai bên và cần Quỹ từ thiện Bloomberg hỗ trợ để có những giải pháp tháo gỡ tồn tại cụ thể trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá trong giai đoạn hiện nay.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục