Áp lực bán gia tăng mạnh ở tất cả các nhóm cổ phiếu vào cuối phiên; trong đó, đáng chú ý, nhóm cổ phiếu thuộc rổ VN30 giảm rất mạnh, khiến VN-Index lùi sâu dưới mốc tham chiếu.
Chốt phiên giao dịch ngày 12/12, VN-Index giảm 19,74 điểm xuống 1.032, 07 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 909,5 triệu đơn vị, tương ứng gần 16,041 tỷ đồng. Toàn sàn có 158 mã tăng giá, 286 mã giảm giá và 53 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 6,47 điểm xuống 210,53 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 127,5 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1,745,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 72 mã tăng giá, 105 mã giảm giá và 55 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,1 điểm xuống 71,5 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 41,8 triệu đơn vị, tương ứng hơn 525,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 152 mã tăng giá, 115 mã giảm giá và 69 mã đứng giá.
Trong rổ cổ phiếu VN30 có 23 mã giảm giá, trong khi chỉ có 6 mã tăng giá và 2 mã đứng giá. Các mã giảm mạnh như: KDH và VIC giảm kịch sàn. Các mã như: VHM giảm 6,7%, VRE giảm 6,4%, PDR giảm 6,1%, HPG giảm 3,1%...
[Các nhà đầu tư tiếp tục lạc quan với xu hướng thị trường ngắn hạn]
Cổ phiếu ngành ngân hàng cũng chìm trong sắc đỏ. VBB giảm 6,1%, STB giảm 4,9%, MSB giảm 4,1%, HDB giảm 3,6%, TCB giảm 3,7%, BID giảm 2,8%, MBB giảm 2,7%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giảm rất mạnh. Các mã VND, TVB, TVC, VCI, WSS, FTS, CTS, APS giảm hết biên độ. Các mã vốn hóa lớn đầu ngành như: SHS giảm 7,4%, MBS giảm 7,1%, VDS giảm 6,3%, HCM giảm 5,9%, SSI giảm 5,4%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đua nhau giảm giá. Các mã PTV, PVD, PVB, PVS, PVC, POS giảm từ 2-4,4%. Cùng đó, nhóm cổ phiếu bất động sản giảm rất sâu, nhiều mã giảm kịch sàn.
Hôm nay khối ngoại mua ròng gần 330 tỷ đồng trên HOSE; 8,95 tỷ đồng trên HNX và hơn 2 tỷ đồng trên UPCOM.
Trong báo cáo chiến lược mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) cho rằng, khả năng cao VN-Index sau khi tăng nóng chạm ngưỡng kháng cự 1.070 sẽ điều chỉnh về vùng 950 - 970, sau đó nhanh chóng bật tăng trở lại và chinh phục các mốc kháng cự lần lượt là 1.120 điểm và 1.200 điểm.
ABS nhận định khối ngoại sẽ quay trở lại là dòng tiền dẫn dắt thị trường trong tháng 12 sau gần 2 năm dòng tiền nhà đầu tư cá nhân áp đảo.
Tuy nhiên, với tình hình dòng tiền quỹ ngoại có rủi ro bị rút ra khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ quan điểm tăng lãi suất để chống lạm phát thì việc sử dụng dòng tiền khối ngoại làm chỉ báo đầu tư sẽ còn tiềm ẩn rủi ro.
“Nhà đầu tư cá nhân chỉ nên lấy dòng tiền này làm yếu tố tham khảo và vẫn cần tập trung vào sức mạnh nội tại của kinh tế Việt Nam và cổ phiếu,” ABS khuyến nghị.
Trước đó, các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên sáng 12/12, khi thị trường chờ các quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương khác.
Tại châu Á, chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,1%, sau khi giảm 2,6% trong tuần trước, mức giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng Chín.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 107,94 điểm, hay 0,39%, xuống 27.793,07 điểm, trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 10,54 điểm, hay 0,44%, xuống 2.378,5 điểm./.