VN-Index thu hẹp được đà giảm nhờ phục hồi của một số mã vốn hóa lớn

Kết thúc phiên 3/2, chỉ số VN-Index giảm 8,48 điểm xuống 928,14 điểm tương ứng giá trị gần 5.053 tỷ đồng; toàn sàn có 58 mã tăng giá, 36 mã đứng giá và 297 mã giảm giá.
VN-Index thu hẹp được đà giảm nhờ phục hồi của một số mã vốn hóa lớn ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn:TTXVN)

Nhờ sự hồi phục của một số mã vốn hóa lớn và những mã cổ phiếu ngành ngân hàng, chỉ số VN-Index đã thu hẹp được đà giảm so với phiên sáng và lấy lại mốc 925 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/2, chỉ số VN-Index giảm 8,48 điểm xuống 928,14 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 275,49 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 5.053 tỷ đồng. Toàn sàn có 58 mã tăng giá, 36 mã đứng giá và 297 mã giảm giá.

HNX-Index giảm 1,05 điểm xuống 101,31 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 65,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 637 tỷ đồng. Toàn sàn có 30 mã tăng giá, 43 mã đứng giá và 103 mã giảm giá.

Trong rổ cổ phiếu VN30 (30 mã cổ phiếu hàng đầu trên thị trường Việt Nam về giá trị vốn hóa và thanh khoản) đã có 7 mã đảo chiều tăng giá, trong khi phiên sáng cả 30 mã đều giảm giá. Cụ thể, HPG đảo chiều tăng giá 1,9%, NVL tăng 1,6%, VRE tăng 0,5%...

Ở chiều giảm giá, VJC cũng thoát giảm sàn khi chỉ còn giảm 3,6%, VHM giảm 2,6%, BVH giảm 5,4%, SSI giảm 3,7%...

Đặc biệt, ROS giảm tới 7% xuống mức giá sàn 8.650 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu ROS từng ghi nhận đạt đỉnh vào 214.100 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 3/11/2017). Đây là mức giá chưa điều chỉnh, tương đương 178.416 đồng/cổ phiếu sau điều chỉnh.

Sự hồi phục của những mã cổ phiếu ngân hàng đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm. Theo đó, SHB tăng 5,3%, CTG tăng 3,1%, BID tăng 3,9%, VPB tăng 0,7%, STB tăng 0,5%...

Ở chiều giảm giá, MBB giảm 2,2%, ACB giảm 1,7%, TPB và TCB giảm 0,7%...

Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn chìm trong sắc đỏ. Theo đó, GAS và PLX đều giảm 3,8%, POW giảm 4,9%, OIL giảm 6,7%, BSR giảm 5,1%, PVB giảm 5,3%, PVS giảm 4,3%, PVC giảm 4,8%, PVD giảm 6%...

[Đưa chứng khoán TP.HCM thành 'phong vũ biểu' của nền kinh tế]

Điểm tích cực là khối ngoại trở lại mua ròng trên HOSE với hơn 51 tỷ đồng. Các mã được mua ròng mạnh là VNM (hơn 27 tỷ đồng), quỹ chỉ số E1VFVN30 (20,73 tỷ đồng), VHM (14,79 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 13,21 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là SHB (hơn 14 tỷ đồng), PVS (hơn 2,1 tỷ đồng), NTP (hơn 1,5 tỷ đồng).

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng 19,06 tỷ đồng. Các mã được mua ròng nhiều là VEA (hơn 9,9 tỷ đồng), BSR (hơn 6,7 tỷ đồng).

Trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona mới (2019-nCoV) gây ra diễn biến ngày càng phức tạp, hàng loạt nhóm ngành được dự báo sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn.

Báo cáo Đánh giá tác động của dịch nCoV tới các nhóm ngành, do Công ty cổ phần Chứng khoán SSI công bố ngày 3/2 cho rằng, trong bối cảnh xuất nhập khẩu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, bất kỳ sự gián đoạn nào đến từ các nhà cung ứng quan trọng như Trung Quốc có thể sẽ là thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Trên thực tế, Việt Nam đã đóng cửa một số cửa khẩu đến Trung Quốc (Lào Cai, Lạng Sơn…) cho đến ngày 8/2 tới. Điều này, đồng nghĩa với việc hạn chế giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam ở một mức độ nhất định.

Thêm vào đó, Việt Nam đã thực hiện hạn chế cấp thị thực đối đối với những khách đến từ các khu vực tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi virus corona mới.

Với diễn biến trên, các chuyên gia của SSI nhận định, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và hoạt động du lịch sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi, ít nhất là trong ngắn hạn.

Trong 23 nhóm ngành do SSI khảo sát, có tới 10 nhóm ngành sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do nCoV, bao gồm ngân hàng, dệt may, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, cảng biển và vận chuyển, dịch vụ sân bay, hàng không. Trong khi đó, chỉ có 4 ngành được đánh giá tích cực là dược phẩm, công nghệ thông tin, điện và nước.

VN-Index thu hẹp được đà giảm nhờ phục hồi của một số mã vốn hóa lớn ảnh 2Lễ đánh cồng khai phiên giao dịch đầu xuân Canh Tý 2020, ngày 3/2, (tức mùng 10 tháng Giêng năm Canh Tý), tại HOSE. (Ảnh: TTXVN phát)

Chẳng hạn đối với ngành dệt may, SSI cho rằng, dịch bệnh không có tác động trực tiếp đến nhu cầu các sản phẩm may mặc, tuy nhiên, GDP Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể gây tác động tiêu cực trong dài hạn lên tiêu dùng.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc đóng cửa trong tháng Một và Hai này. Hiện tại, Trung Quốc là thị trường cung cấp vải nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam.

Với ngành bán lẻ, lượt khách mua sắm tại các cửa hàng sẽ giảm do người tiêu dùng hạn chế đến những nơi công cộng để tránh khả năng lây nhiễm và tiêu dùng sẽ chuyển hướng sang các sản phẩm bảo vệ sức khỏe cần thiết (dược phẩm) thay vì các mặt hàng như ICT.

Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng có thể sẽ chuyển từ thương mại truyền thống (chợ truyền thống) sang hình thức thương mại hiện đại và mua sắm trực tuyến để đảm bảo an toàn vệ sinh

Nhu cầu tiêu dùng bia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, do người tiêu dùng tránh đến những nơi công cộng, giảm tụ tập và chi tiêu bên ngoài.

Trong báo cáo Triển vọng VN-Index tháng Hai này, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cũng cho rằng, từ nay đến thời điểm dịch bệnh được khống chế, các hoạt động kinh tế và thị trường tài chính được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều thử thách.

VN-Index được dự báo sẽ vận động khó khăn trong tháng 2 trong bối cảnh nhà đầu tư bi quan về dịch nCoV và triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2020. Trong trường hợp tiêu cực, VN-Index có thể kiểm định mốc tâm lý quan trọng 900-910 điểm.

Theo các chuyên gia của Mirae Asset, đà giảm của VN-Index có thể chững lại hoặc gia tăng cường độ tùy thuộc vào tiến trình khống chế dịch nCoV. Nhóm doanh nghiệp dịch lữ hành-hàng không, bất động sản nghỉ dưỡng-khách sạn, bán lẻ, xuất khẩu (phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc), năng lượng-dầu khí được dự báo sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch này trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư cần cẩn thận khi đầu tư, tuy nhiên cũng không nên quá bi quan với thị trường.

[Giới phân tích kỳ vọng triển vọng hút dòng vốn ngoại trong năm 2020]

Thị trường chứng khoán vẫn có những điểm sáng hấp dẫn nhà đầu tư. Đặc biệt, với kết quả kinh doanh quý 4/2019 khá tích cực ở nhóm bất động sản, ngân hàng, công nghệ thông tin, bán lẻ; triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp Việt Nam 2020 mặc dù chịu nhiều áp lực nhưng cơ bản vẫn đạt mức tích cực… sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường trong thời gian tới.

Trên thị trường chứng khoán thế giới, các thị trường chứng khoán ở châu Á đồng loạt giảm điểm khi mở cửa ngày giao dịch 3/2, giữa bối cảnh giới đầu tư thận trọng khi các thị trường ở Trung Quốc mở cửa trở lại sau đợt đóng cửa dài ngày.

Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) giảm 1,64%, tương đương 379,42 điểm, xuống còn 22.825,76 điểm. Còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 8,73% xuống còn 2.716,70 điểm.

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,47%, tương đương 123,02 điểm, xuống 26.189,61 điểm, còn chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường chứng khoán Sydney (Australia) để mất 1,35%, tương đương 94,40 điểm, xuống 6.922,80 điểm.

Chỉ số Kospi của thị trường Seoul của Hàn Quốc giảm 1,54% (32,57 điểm) xuống 2.086,44 điểm.

Theo chiến lược gia cao cấp Yukino Yamada của Daiwa Securities, các nhà đầu tư tỏ ra quan ngại khi thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) sụt giảm khi mở cửa trở lại vào ngày 3/2 sau thời gian đóng cửa kéo dài kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020 để phòng ngừa sự lan rộng của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới.

Theo số liệu cập nhật, tính đến sáng 3/2, số người nhiễm chủng virus corona mới (2019-nCoV) tại Trung Quốc đã vượt qua con số 17.200 người, trong đó 2.829 ca nhiễm mới.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có tổng số 361 trường hợp tử vong tại Trung Quốc và 1 trường hợp tại Philippines.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết trong số 57 ca tử vong mới, có tới 56 ca ở tỉnh Hồ Bắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục