VN sẽ có 50 nghìn kỹ sư công nghệ trình độ cao

Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đến 2015 sẽ đào tạo lại 50 nghìn kỹ sư công nghệ thông tin trình độ cao, thạo ngoại ngữ.
Trong Dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin đến 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đến 2015 sẽ đào tạo lại 50 nghìn kỹ sư trình độ cao, thông thạo chuyên môn và ngoại ngữ.

Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, ngày 25/8.

Theo Bộ Thông tin và Truyền Thông, 10 năm qua ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức 2 con số, trung bình khoảng 20-25%/năm. Chỉ tính riêng năm 2009, danh thu công nghiệp phần cứng đạt 4,68 tỷ USD và phần mềm đạt 880 triệu USD. Ngành này sẽ phấn đấu đến 2015 sẽ đạt 16-18 tỷ USD (trong đó doanh thu phần mềm khoảng 2 tỷ USD và phần cứng là 12,5 tỷ USD.)

Để đạt được con số trên, ngoài những chính sách khuyến khích phát triển, việc đầu tư vào nguồn nhân lực công nghệ cao sẽ đóng vai trò then chốt. Trong khi đó, một số doanh nghiệp lại cho rằng, nhiều sinh viên công nghệ khi ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu.

Bởi vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra mục tiêu đề ra đến 2015 sẽ đào tạo lại 50.000 kỹ sư công nghệ thông tin có trình độ cao, thông thạo chuyên môn và ngoại ngữ.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, Tiến sĩ  Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, để nâng cao chất lượng đầu ra của các sinh viên công nghệ thông tin, cần ban hành quy định bắt buộc đào tạo tiếng Anh tại khoa Công nghệ thông tin ở các trường đại học trọng điểm. Đến 2015, có ít nhất 30% số môn học chuyên ngành công nghệ thông tin được giảng dạy bằng tiếng Anh tại các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài việc đào tạo chính quy trong các trường đại học, theo ông Tuyên, cần đẩy mạnh đào tạo không chính quy. Đây là loại hình đào tạo do doanh nghiệp thực hiện theo nhu cầu, không cần cấp văn bằng chứng chỉ. Ngoài ra, các trung tâm đào tạo cần phối hợp cùng đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp để đào tạo ra nguồn nhân lực tốt, phục vụ cho ngành.

Được biết, dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 sẽ lấy ý kiến từ giới chuyên môn, các doanh nghiệp và trình Chính phủ vào cuối năm nay./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục