Tối 9/2, tại nhà hát của thành phố Choisy Le Roi, đoàn kịch Lumiere d’aout khai diễn vở kịch "Những cơ thể bị nhiễm độc của chúng tôi."
Trong 90 phút, khán phòng im lặng gần như tuyệt đối. Không nghe cả tiếng thở. Phải đến nửa tiếng sau khi kịch kết thúc, khán giả mới rời gót khỏi khán phòng để lại nấn ná ở lại sảnh, cùng trao đổi cảm nghĩ, mắt còn ướt long lanh.
Vở kịch nói về cuộc đời và những cuộc chiến đấu của bà Trần Tố Nga- người trong 10 năm ròng rã đã một mình khởi kiện chống lại 26 tập đoàn hóa chất Mỹ đã cung cấp 80 triệu lít chất khai quang trong đó có chứa một nồng độ lớn chất độc dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Trở thành hình tượng sân khấu là điều chính bà Trần Tố Nga không bao giờ nghĩ tới, ngờ tới, chờ tới. Bà từng chia sẻ: "Suốt đời mình, cho đến nay đã vào tuổi 82, tôi chỉ tâm niệm một điều: Làm sao để không phụ lòng ông bà cha mẹ, làm sao có thể trở thành một con người lương thiện." Với tâm niệm 'là một hạt cát nhỏ nhoi" này, Trần Tố Nga đã dành tất cả thời gian, tâm huyết để mong muốn làm tròn sứ mạng của cái gạch nối, nối liền những tấm lòng, những con người lại với nhau!
Trong 90 phút, Angelica, cô diễn viên mang một chút máu Việt từ ông nội, một chút máu Pháp, một chút máu Ba Lan trong vai Trần Tố Nga đã một mình chiếm lĩnh sân khấu, một mình chiếm lĩnh trái tim của khán giả.
Tôi 79 tuổi, tuổi con ngựa, nhưng mạng của tôi là mộc, tôi yêu rừng, yêu cây mà không thích hoa bị cắt cắm bình nên các bạn đừng mang hoa đến tặng tôi. Hình ảnh Trần Tố Nga cao tuổi nói hòa với hình ảnh cô gái trẻ đang leo lên sân khấu, tạo hình dáng không thể nào giống hơn của cái bào thai còn trong bụng mẹ.
Từ trong bụng mẹ, đứa bé nhúc nhích, đong đưa lắng nghe tất cả âm thanh của cuộc sống, tiếng rì rào của rừng, tiếng róc rách của dòng sống và tiếng ầm ì của chiến tranh. Từ trong bụng mẹ, bé đã nghe những điều mẹ dặn, những ước mong của mẹ. Sau lưng bé liên tục chuyển đổi hình ảnh của rừng, của sông, của cuộc sống nhộn nhịp và ngưng vào lúc 5 giờ sáng, giờ cô bé tuổi ngựa chào đời.
Tôi 3 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập. Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra nhưng ba mẹ tôi đã là nhưng người kháng chiến bảo vệ nền độc lập ấy.
Tôi 5 tuổi, ba tôi mất, mẹ tôi ngất trên người của ba tôi đã không còn hơi sống.
Tôi 8 tuổi đã là cô bé giao liên của mẹ, của kháng chiến chống chiến tranh thực dân Pháp.
1955 Tiếng nói của mẹ vọng lên. Nga, mẹ có thể bị bắt, con ra miền Bắc với bác Hồ, cậu Hai sẽ dạy con nên người. Giọng của mẹ nhắn gởi cậu hai: từ nay anh vừa là cha, vừa là mẹ, em giao con cho anh để anh dạy con thành công dân hữu ích.
Trần Tố Nga 82 tuổi, không còn nén lòng được nữa, nước mắt chảy dài theo những cảnh tiếp theo ngày Bắc đêm Nam.
Angelica Nga kể về đất nước bị chia cắt, hiệp định Genève, vĩ tuyến 17 và cuộc tổng tuyển cử không bao giờ thực hiện... đang hiện lên một giai đoạn của đất nước, của dân tộc được hòa cùng với số phận của Trần Tố Nga học sinh miền Nam, Trần Tố Nga mang khăn quàng đỏ, Trần Tố Nga tuyên thệ khi vào đoàn , mẹ vào tù, mẹ bị đày ra Côn Đảo, Trần Tố Nga bị những nỗi oan.... Lần lượt, lần lượt, khán giả là người Pháp đã từng hay chưa từng đến Việt Nam, khán giả trẻ hơn chưa từng biết Việt Nam, chưa từng biết chiến tranh đã cùng thổn thức, khám phá đau thương của một nước Việt chiến tranh.
Chuyển cảnh sang phiên tòa nơi Trần Tố Nga ngồi một mình với một bầy luật sư hằn học bảo vệ cho thân chủ của mình.
Giọng của Angelica Nga chuyển sang đanh thép như tiếng nói thay mặt cho chính nghĩa của luật sư đang bảo vệ cho vụ kiện chống các công ty hóa chất Mỹ: Các ông không thể chối cãi đã vì lợi ích của mình mà cung cấp chất độc cho chính phủ Mỹ, điều mà luật quốc tế đã cấm. Phiên tòa lịch sử hôm nay rồi sẽ đi vào lịch sử của ngành tư pháp, sẽ đi vào các nhà trường... Vụ kiện này, không thể chối cãi, là một vụ kiện lịch sử, duy nhất và mang tính chính trị...
Bốn giờ dành cho những dối trá, ác độc, chối tội để rồi khi bà chủ tịch phiên tòa hỏi bà Trần có muốn nói gì không thì giọng đã chuyển sang giọng của luật sư bên bị, dữ dằn, mất bình tĩnh: Không, chúng tôi không muốn nghe bà Trần.
Và giọng của Trần Tố Nga nhẹ nhàng, trầm tĩnh: Thưa bà chủ tịch, tôi không có gì để nói thêm.
Con đường Trường Sơn... balô con cóc trên vai, bốn tháng vượt đèo cao, vực sâu, bốn tháng chia ngọt xẻ bùi cùng đồng đội, hình ảnh anh Châu lượm một hạt gạo rớt dưới đất để đưa lên miệng, mới hiểu hạt gạo quý biết bao và tình thương đối với nhau sâu đậm như thế nào để có thể chia nhau từng hạt cơm, từng hột đường, và đau khổ biết bao khi anh Châu hy sinh vì bom napan. Ta vượt trên triền núi cao Trường sơn, đá mòn mà đôi gót không mòn... cô Nga trẻ đang say sưa hát bằng giọng nửa tây nửa ta trên sân khấu cùng với những hình ảnh bộ đội hành quân giúp cho khán giả hình dung ra được con đường được gọi là đường mòn Hồ Chí Minh.
Nga dưới khán đài hát theo nhưng đầu óc thì đang miên man trở về những năm tháng xẻ dọc Trường Sơn... Nhớ quá, tuổi trẻ của mình, của các bạn cùng đi, cùng chia xẻ cực khổ, đói no, hiểm nguy. Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình, ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình, từ trái tim mình...
[Vụ kiện lịch sử của bà Trần Tố Nga: Tôi sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh]
Cơ quan Trung ương Cục. Chiến tranh đã đổi thành chiến tranh cục bộ, những cuộc gặp gỡ với các em Quế, Tuyết chưa kịp mừng thì anh Châu hy sinh - người hy sinh đầu tiên với câu nói cuối cùng trước khi tắt thở: Mỹ ác quá! Đời sống ở căn cứ trong chiến đấu mới bước sang một chặng mới, bắt đầu với những ngày làm việc và đào hầm, đào giếng, tập làm du kích sẵn sàng chống càn.
Giây phút huyền diệu đến, Nga được gặp mẹ. Hai mẹ con đứng sửng nhìn nhau, rồi Nga cười to, nhấc bổng mẹ lên quay mấy vòng... Hình ảnh đêm trùng phùng đầu tiên Nga nằm co rút trong lòng mẹ trong căn hầm, hình ảnh hai mẹ con ôm nhau trong hố bom khi máy bay Mỹ thả bom trên đầu. Ôi Mẹ của con, bao giờ nỗi đau mất mẹ mới vơi?
Tiếng mẹ nói vọng về: Nga, mẹ mong ngày hòa bình, mình trở về cuộc sống sum họp, mẹ muốn được ở cùng ông bà ngoại và các con... Nhưng nếu mẹ không về thì con thay mẹ mà lo cho ông bà và các anh em của con... Mẹ, ngàn lần con không muốn mẹ nói câu đó. Ngày hòa bình, ngày hòa bình... ước mơ không bao giờ thành đối với mẹ.
Một tháng được sống cạnh mẹ, được mẹ dạy cho nghề làm báo, làm bánh rồi đến một ngày khi tôi đang hứng chất bột khai quang lên người thì tiếng mẹ la thất thanh: Nga, đi tắm ngay, chất diệt cỏ đó. Sự kiện đó được quên ngay giữa bộn bề sự kiện chiến tranh.
Việt Hải ra đời trong vòng tay của Angelica Nga và thêm một ngọn nến được thắp lên bên cạnh Việt Hải chết vì một căn bịnh ác nghiệt mang tên là tứ chứng Fallot.
Bà nói dối, một loạt các bịnh mấy người nêu ra cũng do bà ấy già thôi, Con bé chết chỉ vì thiếu thốn trong rừng thôi - tiếng các luật sư bên bị thay phiên nhau thóa mạ, nhấn mạnh từng chữ chối tội. Angelica, khi thì đanh thép dõng dạc, khi thì the thé, chát chúa trong khi những bàn tay của ai từ phía sau, từ bên cạnh vuốt ve tôi đồng thời với tiếng nói trên sân khấu, Angelica Nga đang nói mẹ, con cảm nhận tay mẹ đang đặt lên vai con, tay bà ngoại đang vuốt đầu con, và con bắt chước mẹ, giữ bình tĩnh, bình tĩnh đến lạnh lùng.
Kể từ phút ấy, Việt Hải thay mẹ dẫn dắt các em Việt Hồng rồi Việt Liên. Mảnh đất bị nhiễm độc của tôi, những thân hình bị nhiễm độc của chúng ta, vì cái chất khai quang quái ác ấy đã để lại nhiều, rất nhiều thân hình bị nhiễm độc.
Trần Tố Nga được cử đi công tác trong lòng địch, đi tù. Hình ảnh Angelica Nga bị treo lên cao để tra tấn thật đến nỗi cả những người trẻ không cầm được nước mắt.
30/41975, Việt Liên cùng mẹ ra tù, Việt Hồng về ở với mẹ. Sum họp, buồn vui lẫn lộn, những thất vọng trước bao hy vọng cùng xương máu đổ ra để có ngày hòa bình. Hơn 30 năm đi tìm mẹ trong vô vọng và thân xác đã tan chỉ còn một vài mảnh xương và các sợi dây trói mẹ.
Tiếng vọng của mẹ với Việt Hải: Con hãy thử tưởng tượng bà ngoại của con, mẹ của mẹ đã bị chôn sống trong tư thế ngồi, trói chân tay, trong một cái hố. Chôn sống, chết ngạt...
Người lính Mỹ trẻ đã tra tấn bà ngoại, bà ngoại biết là sau này anh ta đã tự tử, hóa điên vì chiến tranh và vì hối hận. Bà ngoại không giận hắn, bà ngoại không còn giận nữa.
Trong câu chuyện này, tất cả chúng ta đều lẫn vào nhau, không thể tách rời. Bị nhiễm bới chất độc và những nỗi thống khổ. Được tạo thành bởi những sức mạnh và những dòng chảy trái ngược nhau. Trong cơ thể của tôi, trong máu của tôi có một chất da cam cứ lan tỏa, những căn bịnh mà một ngày nào đó sẽ lấy mạng của tôi. Trong cơ thể của tôi là mẹ tôi - máu thịt của tôi, nguồn ánh sáng của tôi. Là đất nước của tôi, những đất nước của tôi, những người tôi yêu và đang giúp tôi đứng vững.
Tôi được gắn liền với tất cả những người đã mất, gắn liền với tất cả những ai đang sống.
Và để cho những người sống và những người đã mất yên bình.
Chỉ cần một sự đền bù. Chỉ đơn giản cần CÔNG LÝ!
Để có công lý, chỉ có một con đường, tiếp tục chiên đấu trong thời bình. Trên sân khấu đã có quá nhiều ngọn nến được đốt lên, nến dành cho những ai đã ngã xuống trong chiến tranh, nến cho các nạn nhân của chiến tranh, của chiến tranh trong hòa bình, nến dành cho nạn nhân da cam.
Mười năm cuộc chiến không cân sức để đòi công lý, mười năm của một tập hợp sức mạnh và sẽ còn bao nhiêu năm nữa.
Người ta muốn bằng mọi cách cho tôi chết, nhưng tôi chưa chết, TÔI ĐANG SỐNG!
"Những cơ thể bị nhiễm độc của chúng tôi" đã tái hiện cả cuộc đời của bà Trần Tố Nga trong bối cảnh thời gian trải dài mấy mươi năm của lịch sử đất nước, của dân tộc trong 90 phút. Vở kịch đã đem lại vô vàn những cảm xúc cho khán giả, để họ cùng vui, cùng buồn, cùng chia sẻ để những người có mặt trong khán phòng cùng vui, cùng buồn, cùng chia sẻ những mất mát đau thương của một con người, của một đất nước trong hai, ba cuộc chiến tranh, hôm qua và cả hôm nay./.
Bà Trần Tố Nga, một người phụ nữ Pháp gốc Việt hiện đang mang trong mình căn bệnh ung thư, di chứng do hậu quả của chất độc chất độc da cam/dioxin mà bà nhiễm phải vào năm 1966 khi bà là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng tác nghiệp ở chiến trường miền Nam. Trong suốt gần 10 năm ròng rã, bà đã theo đuổi vụ kiện các công ty hóa chất sản xuất và bán chất độc da cam được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam trong đó có Monsantos và Dow Chemical, nhằm đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Việt Nam. "Vụ kiện lịch sử" đã có hơn 6 năm được tòa đại hình Pháp xét với 19 phiên thủ tục và một phiên tranh tụng. Trong phiên sơ thẩm ngày 10/5/2021, Tòa án Evry đã tuyên: Không có thẩm quyền xét xử và vụ kiện được các luật sư và bà Trần Tố Nga chuyển hồ sơ lên Tòa phúc thẩm Paris. Các cuộc trao đổi phản biện giữa hai bên tiếp tục diễn ra dự kiến đến quý 2 năm 2023, trước khi bước vào phiên tranh tụng tại Tòa án Paris. Từ một mình đứng đơn và kiện, trong 10 năm qua, "Vụ kiện lịch sử" của bà Trần Tố Nga đã được hàng triệu người trên khắp thế giới ủng hộ, sát cánh, trong đó có các nhà báo, các đài truyền hình và cả các nghệ sỹ. Nhóm kịch Lumiere d’Aout mà người sáng lập là Marine Bachelot Nguyễn đã dựa trên cuốn sách Ma Terre Empoisonnée (Mảnh đất bị nhiễm độc của tôi, tác giả Trần Tố Nga) và tất cả những sự kiện trải dài trong gần 10 năm của vụ kiện, để dựng nên vở kịch. Một vở kịch nói mà diễn viên chỉ có một người Anglica Kiyomi Tisseyre-Sekine kết hợp với những kỹ thuật hiện đại, tái hiện từng cảnh, từng giây phút chiến tranh mà con người Việt Nam, đất nước Việt nam đã trải qua thông qua một cuộc đời. Trước đó, ngày tranh tụng ở tòa án Evry, Marine Bachelot cũng đã thực hiện một mình một đoạn độc diễn để gửi đến những người đang theo dõi phiên tòa tranh tụng. |