Vòng chung kết Asian Cup 2019: Mang châu Á đến gần nhau hơn

Với khẩu hiệu "Bringing Asia Together" (Mang châu Á đến gần nhau hơn), Asian Cup 2019 với 24 đội bóng tham dự sẽ là kỳ Asian Cup quy mô lớn nhất và hoành tráng nhất trong lịch sử 63 năm của giải đấu.
Vòng chung kết Asian Cup 2019: Mang châu Á đến gần nhau hơn ảnh 1

Asian Cup, sân chơi danh tiếng dành cho các đội tuyển bóng đá quốc gia trong khu vực, được Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) tổ chức 4 năm một lần.

Với khẩu hiệu "Bringing Asia Together" (Mang châu Á đến gần nhau hơn), Asian Cup 2019 với 24 đội bóng tham dự sẽ là kỳ Asian Cup quy mô lớn nhất và hoành tráng nhất trong lịch sử 63 năm của giải đấu.

Quyết định mở rộng số đội bóng tham dự vòng chung kết của AFC đã khiến không khí bóng đá len lỏi khắp mọi ngóc ngách của lục địa ngay từ khi những trận đấu vòng loại diễn ra.

Asian Cup được tổ chức lần đầu tiên tại Hong Kong (Trung Quốc) năm 1956, với sự tham dự của 4 đội tuyển quốc gia. Nhà vô địch đầu tiên của giải đấu là đội tuyển Hàn Quốc.

Tính tới thời điểm hiện tại, Nhật Bản là quốc gia giành nhiều chức vô địch Asian Cup nhất với 4 lần lên ngôi vào các năm 1992, 2000, 2004 và 2011.

Hai đại diện Tây Á là Iran và Saudi Arabia mỗi đội 3 lần vô địch, trong khi Hàn Quốc có 2 lần đăng quang giải đấu.

[Danh sách chi tiết cầu thủ của 24 đội tuyển dự VCK Asian Cup 2019]

Các đội đã giành 1 chức vô địch Asian Cup trong quá khứ là Kuwait, Iraq, Israel (quốc gia hiện là thành viên UEFA) và Australia - đương kim vô địch của giải đấu.

Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Myanmar là đội tuyển quốc gia đang giữ thành tích cao nhất, họ từng 1 lần giành quyền vào trận chung kết Asian Cup 1968 và cán đích ở vị trí á quân.

Thái Lan 1 lần giành hạng 3 Asian Cup 1972, Việt Nam 2 lần đoạt hạng 4 Asian Cup vào năm 1956 và 1960. Trong khi đó, Campuchia có 1 lần giành hạng 4 Asian Cup 1972.

Asian Cup 2019 diễn ra từ ngày 5/1 đến 1/2 tại 8 sân vận động ở 4 thành phố lớn của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là Abu Dhabi, Dubai, Al Ain và Sharjah.

Với việc nâng số đội tham dự vòng chung kết từ 16 lên 24, thể thức thi đấu tại Asian Cup 2019 cũng có sự đổi mới. Các đội bóng được chia thành 6 bảng, mỗi bảng 4 đội. Sau lượt trận vòng bảng, chọn ra 12 đội nhất và nhì ở 6 bảng. Ngoài ra, 4 đội đứng thứ 3 có thành tích tốt nhất cũng sẽ được đi tiếp vào vòng 1/8.

Các đội vào vòng 1/8 sẽ thi đấu tranh vé vào tứ kết, bán kết và chung kết. Thể thức này được giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO) áp dụng từ năm 2016, giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) áp dụng từ năm 1982 - 1994 khi các giải này có 24 đội.

Tại Asian Cup 2019, các đội tuyển sẽ được quyền thay đổi cầu thủ thứ 4 trong thời gian hai đội thi đấu hiệp phụ. Điều này sẽ đảm bảo tính hấp dẫn của trận đấu và giữ thể lực cho các đội bóng khi tổng thời gian thi đấu cả hiệp phụ là 120 phút.

Một thay đổi đáng kể khác là việc AFC quyết định việc đưa công nghệ VAR (trợ lý trọng tài video) vào sử dụng tại Asian Cup 2019.

Đội vô địch Asian Cup sẽ giành quyền tham dự Cúp Liên đoàn các châu lục (Confed Cup) năm 2021. Confed Cup từ trước đến nay vẫn được xem là giải đấu tiền World Cup với sự tham dự của đương kim vô địch các châu lục.

Asian Cup 2019 đánh dấu 12 năm đội tuyển Việt Nam quay trở lại sân chơi châu lục. Trước đó, tại Asian Cup 2007 - giải đấu Việt Nam là đồng chủ nhà cùng 3 nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan, "Những ngôi sao Vàng" đứng thứ hai bảng B sau Nhật Bản và giành quyền vào tứ kết gặp Iraq.

Tại "chảo lửa" Rajamangala (Thái Lan), đội tuyển Việt Nam dừng bước trước Iraq, bởi cú đúp của tiền đạo Younis Mahmoud. Đội tuyển Iraq sau đó đánh bại Hàn Quốc và Saudi Arabia để lên ngôi vô địch giải đấu.

Bảng đấu Asian Cup 2019

Bảng A: Bahrain, Ấn Độ, Thái Lan, UAE
Bảng B: Jordan, Palestine, Syria, Australia
Bảng C: Philippines, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Hàn Quốc
Bảng D: Yemen, Việt Nam, Iraq, Iran
Bảng E: Triều Tiên, Liban, Qatar, Saudi Arabia
Bảng F: Turkmenistan, Oman, Uzbekistan, Nhật Bản.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục