Vòng tay Ấn Độ-Nhật Bản cần vươn tới khu vực Á-Âu

Để tăng cường tính chất toàn cầu của mối quan hệ Ấn-Nhật, một khuôn khổ Á-Âu cần được theo đuổi song song với khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Vòng tay Ấn Độ-Nhật Bản cần vươn tới khu vực Á-Âu ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: Reuters)

Theo Diễn đàn Đông Á, không một mối quan hệ đối tác nào lại chứng kiến bước phát triển chưa từng có tiền lệ như mối quan hệ mà Ấn Độ và Nhật Bản đã đạt được trong vòng 20 năm qua.

Tuyên bố “Tầm nhìn Ấn Độ-Nhật Bản” đã tái khẳng định cam kết của hai nhà lãnh đạo cùng hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Văn kiện này là kết quả sau chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Tokyo và có cuộc gặp người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe từ ngày 28-29/10/2018.

Các nước như Australia và Mỹ đã thiết lập mối liên kết giữa Ấn Độ và Nhật Bản và khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang được đề cập nhiều hơn. Hợp tác hàng hải và vai trò trong việc duy trì một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và thịnh vượng” đã trở thành sợi dây gắn kết mối quan hệ Ấn-Nhật.

Để tăng cường tính chất toàn cầu của mối quan hệ Ấn-Nhật, một khuôn khổ Á-Âu cần được theo đuổi song song với khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hợp tác kinh tế ở khu vực Á-Âu là một vấn đề mà Tokyo và New Delhi cần tìm hiểu trong quá trình phát triển mối quan hệ đối tác “toàn cầu” của mình. Một mối quan hệ như vậy cần được thúc đẩy bởi những động lực kinh tế và chiến lược mà hai bên cùng quan tâm. Việc đối trọng với tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Trung Á và châu Âu có thể là một trong những động lực chiến lược như vậy.

Trung Quốc có thể có tầm ảnh hưởng đáng kể ở Trung Á, song sự hợp tác Ấn Độ-Nhật Bản trong khu vực có thể làm thay đổi cán cân chiến lược và tạo cơ hội để các nước Trung Á có nhiều “dư địa” để xoay sở.

Và mặc dù Nga có thể ủng hộ Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa (SREB) nhưng Moskva lo sợ Bắc Kinh thống trị khu vực. Đáng nói là Liên minh Kinh tế Á-Âu của Nga đang tìm kiếm những đối tác mới, một cơ hội mà cả Tokyo và New Delhi cần lợi dụng.

[Hội nghị Nhật Bản-Ấn Độ: Định hình trật tự mới ở châu Á]

Để xây dựng một khuôn khổ Á-Âu, sự hợp tác Ấn-Nhật với Nga, Trung Á và châu Âu sẽ là điều cần thiết. Để đạt được điều này, Tokyo có thể thực hiện theo chính sách “Ngoại giao Á-Âu” của cựu Thủ tướng Ryutaro Hashimoto trong những năm 1990.

Mục tiêu của chính sách này là trao cho Nhật Bản một vị trí chắc chắn và năng động trong khu vực để tạo ra các lựa chọn chiến lược thông qua mối quan hệ của Tokyo với Trung Quốc và Mỹ.

Chính sách “Ngoại giao Á-Âu” của Hashimoto có thể chưa đem lại nhiều chiến thắng kinh tế cho Nhật Bản, song phần nào giúp thuyết phục Moskva hướng đến mối quan hệ đối tác với Tokyo cho dù hai bên còn vướng mắc tranh chấp lãnh thổ hiện nay.

Thủ tướng Abe phải thực hiện chính sách này và bồi đắp lại mối quan hệ với khu vực Á-Âu mà lần này có New Delhi ở bên.

Trước đây, tầm với của New Delhi ở Trung Á, nơi Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nga nổi lên là những nhân vật chính trong thời kỳ hậu Xô Viết, là gần như không đáng kể.

Chính sách “Kết nối Trung Á” của Ấn Độ, được khởi động từ năm 2012, nhằm định vị lại những lợi ích của nước này thông qua những cánh tay với dài về kinh tế và chính trị ở Trung Á và Nga.

Hiện mối quan hệ Ấn Độ và Nga không ở mức nồng ấm nhất. Tuy nhiên, New Delhi chưa hoàn toàn tách mình khỏi Moskva xét về cả song phương và đa phương.

Tư cách thành viên của Ấn Độ tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải phần lớn là nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của Moskva, điều mà Bắc Kinh không thể bác bỏ. Trong khi bộ ba Nga-Ấn-Trung giúp tăng cường di sản Á-Âu của New Delhi, thì một khuôn khổ như BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) lại làm phong phú mối quan hệ hợp tác đa phương của Ấn Độ với cả Nga và Trung Quốc.

Bắc Kinh đang triển khai “Ngoại giao Con đường Tơ lụa” mà cựu Thủ tướng Nhật Bản Hashimoto đã lường trước được. Hợp tác với các nước Trung Á là một trụ cột chính của SREB. New Delhi và Tokyo có thể nỗ lực đối trọng với tầm với của Bắc Kinh bằng cách tăng cường chính sách “Kết nối Trung Á” và làm hồi sinh “Chính sách ngoại giao Con đường Tơ lụa” của Nhật Bản.

Sự hồi sinh này có thể thúc đẩy hơn nữa chính sách “Trung Á+Nhật” được đưa ra hồi năm 2004, dưới thời Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Junichiro Koizumi.

Cách tiếp cận của Tokyo đối với Trung Á theo chính sách này tập trung vào hỗ trợ phát triển và được chính phủ thúc đẩy. Mong muốn của Tokyo đóng một vai trò xây dựng trong khu vực sẽ được tăng cường thông qua kiểu hợp tác nước thứ ba với Iran tại các nước Trung Á, khởi nguồn từ cả lĩnh vực công và tư. Nỗ lực này sẽ có thể xứng tầm với chính sách ngoại giao kinh tế toàn cầu nổi tiếng của Nhật Bản.

Trên hết, mối quan hệ Ấn-Nhật cần được tính toán và cân nhắc vượt lên trên khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu. Thương chiến Mỹ-Trung hiện nay sẽ thúc đẩy Tokyo và New Delhi tìm kiếm những mối quan hệ hợp tác toàn cầu mới. Châu Âu có thể là câu trả lời cho dù khu vực này ôm ấp chính sách tập trung vào Trung Quốc đối với khu vực châu Á.

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khích lệ EU nhìn nhận châu Á qua một lăng kính mới. Nhật Bản và Hiệp định Đối tác Chiến lược và Hiệp định Đối tác Kinh tế của EU đã làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương, và mối quan hệ của Ấn Độ với EU cũng đang thay đổi từ “cho-nhận” sang mối quan hệ “đối tác của những cơ hội”.

Một khuôn khổ bộ ba Ấn-Nhật-EU có thể tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác. Cả Ấn Độ và Nhật Bản đều có chung chương trình nghị sự với EU ở ASEAN và các tổ chức đa phương khác để thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, công bằng và dân chủ. Mối quan hệ đối tác trong khuôn khổ Á-Âu chắc chắn sẽ tăng cường điều này hơn nữa và tác động tới cán cân quyền lực toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục