Vụ 39 thi thể trong container: Bài học lớn về quản lý xuất nhập cảnh

Đại biểu Quốc hội cho rằng tự do xuất, nhập cảnh là quyền con người đã được Hiến định, tuy nhiên, cần phải quản lý tốt hơn để người dân sử dụng hộ chiếu, xuất cảnh đúng quy định pháp luật.
Vụ 39 thi thể trong container: Bài học lớn về quản lý xuất nhập cảnh ảnh 1Làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Móng Cái. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Chiều nay 28/10, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Nhiều các đại biểu quan tâm đến việc quản lý xuất nhập cảnh trái phép hiện nay.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng vụ việc phát hiện 39 thi thể trong container ở Anh là một bài học lớn về quản lý xuất nhập cảnh: “Trong Luật Xuất nhập cảnh, chúng ta đang bàn về câu chuyện đưa người ra nước ngoài và nhận tiếp nhận người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo con đường hợp pháp. Vậy con đường bất hợp pháp, chúng ta làm thế nào để đề phòng chống, để người dân không rơi vào cạm bẫy?”

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, vấn đề không phải chỉ là ở luật, quy định mà chính là công tác thực tiễn, quản lý đối với người Việt đi qua các cửa khẩu hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Người dân có thể trốn ra nước ngoài có thể không qua cửa khẩu hoặc qua cửa khẩu bằng giấy thông hành đi sang Trung Quốc rồi có tổ chức khác đón sẵn.

“Quan trọng nhất là phải xử lý rất nghiêm môi giới từ trong nước. Tại sao người dân biết để đi theo con đường đó mà có những cơ quan Nhà nước thì không biết gì? Nếu chúng ta trinh sát giỏi, biết được, thâm nhập vào những đường dây này có thể bắt được ‘cả mớ’,” đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Vụ 39 thi thể trong container: Bài học lớn về quản lý xuất nhập cảnh ảnh 2Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Nhưỡng nhấn mạnh: “Luật Xuất nhập cảnh đang bàn nhiều về việc quản lý cán bộ mang hộ chiếu đi qua cửa khẩu, các đoàn ra đoàn vào qua cửa khẩu trong khi vần đề này quản lý dễ, cái quan trọng nhất đó là sự di chuyển của công dân một cách tự do.”

Theo ông, tự do xuất, nhập cảnh là quyền con người được quy định trong các công ước quốc tế, đặc biệt là đã được Hiến định, người dân được xuất nhập cảnh tự do nhưng phải quản lý để họ sử dụng tấm hộ chiếu đi đúng quy định của pháp luật.

[Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc xuất, nhập cảnh]

Cũng liên quan đến vấn đề công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép, không có giấy tờ tuỳ thân, hộ chiếu, Đại biểu Vương Ngọc Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cho biết, trên thực tế có rất nhiều trường hợp công dân Việt Nam đi sang nước ngoài mà không có bất cứ giấy tờ tuỳ thân nào cả. Tại địa bàn của tỉnh Hà Giang có rất nhiều trường hợp như vậy.

“Điển hình như trường hợp của em bé Chảo Thị May, 12 tuổi nghi là người Việt Nam và đang lưu lạc tại Trung Quốc, sau đó được Bộ Công an và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc xác định em là Chảo Thị May ở xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh. Hay một trường hợp khác như công dân Vừ Già Pó tại Khau Vai, Mèo Vạc sau khi lưu lạc từ tháng 12/2012 đã đi qua lãnh thổ của các nước mà không có bất kỳ giấy tờ gì, không biết một ngoại ngữ nào, khi đến Pakistan được Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế giúp đỡ xác định được là người Việt Nam,” đại biểu Vương Ngọc Hà dẫn chứng.

Đại biểu Vương Ngọc Hà cho rằng, đối với những trường hợp khi được phát hiện không có bất kỳ một giấy tờ tuỳ thân nào thì họ cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan trong và ngoài nước, đặc biệt là sự đồng thuận của cơ quan nước ngoài để đưa công dân Việt Nam về nước.

Do đó, đại biểu Vương Ngọc Hà đề nghị trong quy định về hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài bổ sung thêm trường hợp "không có bất kỳ giấy tờ gì chứng minh là người có quốc tịch Việt Nam nhưng được cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài xác minh (thông qua các cơ quan ở trong nước), có đủ căn cứ xác định là công dân Việt Nam"; hoặc quy định "giao Chính phủ quy định trong một số trường hợp đặc biệt" để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan ngoại giao hỗ trợ công dân Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục