"Vũ điệu" đôla - bao giờ mới chấm dứt?

Pháp lệnh quản lý ngoại hối quy định mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo không được thực hiện bằng ngoại tệ nhưng trên thực tế, vô cùng nhiều giao dịch hàng hóa đang đi ngược lại quy định này.

Pháp lệnh quản lý ngoại hối quy định mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo không được thực hiện bằng ngoại tệ nhưng trên thực tế, vô cùng nhiều giao dịch hàng hoá đang đi ngược lại quy định này.

Tỷ giá nhảy múa

Dạo quanh các trung tâm mua sắm cao cấp như Parkson, Vincom, Tràng Tiền hay Ruby Plaza, các cửa hàng trang sức, giày dép, thiết bị tin học đến các trung tâm ôtô xe máy tại Hà Nội hay bất kỳ một thành phố lớn nào cũng có thể thấy vô số các sản phẩm chỉ được niêm yết bằng đồng USD.

Nếu bạn không mang theo USD, người bán hàng sẽ sẵn sàng quy đổi giá hàng hóa bằng USD sang tiền Việt, nhưng tỷ giá do họ tự ấn định. Người mua có thể bị "chém" với tỷ giá lên tới 18.230 - 18.260 đồng/USD thay vì tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước ấn định là 16.937 đồng/USD và của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là 17.784 đồng/USD.

Để sở hữu một món đồ công nghệ phổ biến như chiếc máy Ipod Touch 8Gb với vỏ bọc Belkin- một thứ hàng nhập khẩu từ nước ngoài, có thể tìm thấy rất dễ dàng nếu bạn ghé vào các cửa hàng dọc phố Kim Mã, Nguyễn Du, Lý Nam Đế hay Thái Hà (Hà Nội). Tuy nhiên, giá của nó sẽ được tính bằng USD.

Chủ một cửa hàng trên phố Nguyễn Du cho biết: “Một chiếc Ipod như thế được bán với khoảng 268 USD, nếu trả bằng VND thì áp dụng theo tỷ giá 18.230 đồng/USD”.

Tạt vào vài ba cửa hàng giầy dép thời trang trên phố Đường Thành hay Hàng Bông, những đôi xăngđan đẹp như mơ được  giới thiệu nhập khẩu từ Mỹ, Pháp hay Italy đều niêm yết giá bằng USD. Một đôi xăngđan xoàng xoàng ở cửa hàng Soe Bird (phố Đường Thành) được niêm yết với giá 24 USD.

Các sản phẩm trang sức thuộc các hãng như Unique hay Seven ở Parkson Hà Nội hay Hải Phòng đều niêm yết giá bằng USD và người bán hàng sẽ rất vui nếu bạn cần đổi USD ra VND để thanh toán. “Chúng tôi phải mua USD trên thị trường với tỷ giá cao để nhập khẩu những mặt hàng này nên không thể dùng tỷ giá ngân hàng được,” một người bán hàng cho biết.

Đó là với các sản phẩm nhập khẩu. Còn hàng hóa của nhà sản xuất trong nước cũng không ít loại được niêm yết giá thành bằng USD. Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) có dòng sản phẩm cao cấp là CAO và các sản phẩm CAO đều được niêm yết giá bán bằng USD. Một chiếc dây chuyền bằng vàng, mặt là một viên đá quý tự nhiên gắn kim cương bụi hiệu CAO được bán tại trung tâm mua sắm Parkson Hà Nội với giá khoảng 500 USD.

Một nhân viên bán đồ trang sức tại tầng một khu mua sắm Vincom nói: “Chuyện niêm yết bằng USD bây giờ cũng phổ biến rồi, và khách hàng cũng đã quen dần”.

Đi shopping, bạn cảm thấy đói ư? Tạt qua khách sạn Nikko hay Sofitel Metropole Hà Nội để ăn buffet. Giá cho mỗi suất ăn vào khoảng 20 USD đến 21 USD (giá chưa bao gồm thuế VAT và phí phục vụ).

Chuyện bình thường
, dù không được phép

Những mặt hàng được niêm yết bằng ngoại tệ nhiều nhất là đồ điện tử, các thiết bị tin học, xe máy, ôtô nhập khẩu.

Giám đốc một công ty máy tính trên phố Láng Hạ cho biết: “Không riêng gì chúng tôi mà hầu như các công ty máy tính đều niêm yết song song giá VND và USD”. Theo vị giám đốc này, mua USD từ ngân hàng rất khó nên họ niêm yết giá bán như vậy để tránh rủi ro tỷ giá.

Tại Trung tâm Toyota Mỹ Đình, giá một chiếc Fortuner G 2.5 MT niêm yết khoảng 38.300 USD hay một chiếc Camry 3.5Q là 68.700 USD.

Trên Phố Huế, Bà Triệu - một trong những trung tâm mua bán xe máy nhập khẩu tại Hà Nội, các loại xe như PS, SH, Flame, Piaggio, Spacy được bày bán tràn lan với tỷ giá do người bán hàng tự quy đổi là 18.150 - 18.260 đồng/USD. Theo một người bán hàng trên Phố Huế, một chiếc xe Liberty (Piaggio) có giá khoảng 4.650 USD (84 triệu đồng), PS có giá 5.800 USD (105 triệu đồng).

Việc niêm yết giá hàng hóa bằng USD và thói quen mua hàng bằng USD đã trở thành một chuyện bình thường ở Việt Nam. Trong khi việc này đã bị pháp luật không cho phép.

Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu: “Tất cả các hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Điều 22 Pháp lệnh Quản lý Ngoại hối nghiêm cấm việc niêm yết giá bán bằng ngoại tệ, bất kể họ chọn tỷ giá nào để quy đổi ra tiền Việt".

Để xử lý vấn đề này, trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi quảng cáo, niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ, mua, bán ngoại tệ trái phép của tổ chức, cá nhân; xử lý nghiêm khắc đối với hành vi mua bán ngoại tệ vượt trần biên độ theo quy định của các tổ chức tín dụng; yêu cầu các đơn vị trong ngành ngân hàng kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các đại lý đổi ngoại tệ và xử lý nghiêm các vi phạm.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra việc quảng cáo, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ, các hành vi mua, bán ngoại tệ trái phép của các tổ chức và cá nhân và xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành. Nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo nào về kết quả của cuộc kiểm tra này.

Theo các chuyên gia kinh tế, các cửa hàng niêm yết giá bằng nội tệ sẽ giúp nền kinh tế tránh tình trạng đôla hóa. Tuy nhiên cũng nên linh động cho những doanh nghiệp phục vụ du khách nước ngoài.
 



(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục