Vụ Snowden và lỗ hổng thông tin mật của nước Mỹ

Nhà chức trách Mỹ đang đặt câu hỏi tại sao một nhân viên cấp thấp như Snowden lại tiếp cận được những tài liệu an ninh tuyệt mật.
Nhà chức trách Mỹ đang tìm hiểu xem bằng cách nào Edward Snowden, một nhân viên công nghệ thông tin cấp thấp, có thể có được những tài liệu tuyệt mật của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), vốn chỉ một số nhỏ những quan chức NSA có thể tiếp cận. Quả bom mà Snowden tung ra về chương trình do thám của NSA bao gồm một trát từ Tòa án giám sát tình báo nước ngoài (FISA), những tài liệu đã được bảo mật kỹ lưỡng hơn ba thập kỷ qua. “Phạm vi tiếp cận tài liệu này là rất nhỏ”, Robert Deitz, từng làm tổng tư vấn cho NSA và Cục điều tra liên bang Mỹ (CIA), nói. [Nga sẽ cân nhắc cho người bị Mỹ truy lùng tị nạn] Không tới 100 người được phép tiếp cận trát tòa đó, theo lời Deitz, hiện là giáo sư chính sách công ở Đại học George Mason. “Làm sao mà anh ta có thể tiếp cận những viên ngọc trên vương miện đó?” Deitz nói về Snowden, người không có bằng đài học hay được đào tạo bài bản về tình báo. Rất nhiều thông tin mà Snowden đã tiết lộ, nằm trong những chương trình khác nhau, khiến nhà chức trách Mỹ quan ngại rằng có thể anh đã vượt qua thẩm quyền tiếp cận thông tin được phép, theo lời các cựu quan chức. “Tôi cho rằng rất có khả năng anh ta đã phá rào”, Cedric Leighton, một cựu phó giám đốc đào tạo ở NSA và là đại tá không quân đã nghỉ hưu, nói. “Và tất cả những gì anh ta làm chỉ là hỗ trợ một số nhân viên công nghệ thông tin, có lẽ anh ta tiếp cận được mật khẩu của một ai đó. Khi điều này xảy ra, thì tất cả đều có thể”. Những tiết lộ của Snowden với báo Anh Guardian và báo Mỹ Washington Post có thể là khác với vụ Bradley Manning, binh sĩ người Mỹ hiện đang bị xét xử vì tuồn rất nhiều tài liệu mật cho trang mạng WikiLeaks. Manning là một binh nhì làm phân tích tình báo ở Iraq, có thể được phép tiếp cận rất nhiều công hàm ngoại giao và các báo cáo tình báo quân sự xếp loại mật mà anh chuyển sang cho WikiLeaks. Snowden không phải là nhân viên phân tích tình báo và “anh ta chỉ có trách nhiệm bảo trì mạng, nhưng có thể đã nhìn vào các thông tin”, theo lời James Lewis, một cựu quan chức Mỹ chuyên về an ninh mạng. Vụ việc của Manning đã dẫn tới những lời kêu gọi thắt chặt kiểm soát an ninh và giới hạn việc phân phát các thông tin tình báo nhạy cảm, sau một thập kỷ mà các cơ quan mật vụ Mỹ đã nỗ lực chia sẻ thông tin nhiều hơn. Sau vụ tấn công 11/9/2001, các nghị sĩ đã chỉ trích những cơ quan tình báo vì không kết nối thông tin với nhau để phát hiện ra vụ việc. Cộng đồng tình báo và an ninh ở Mỹ từ đó đối mặt với sự cân bằng mỏng manh giữa giới hạn thông tin và chia sẻ thông tin, nhưng vụ Snowden có thể khiến các cơ quan mật vụ phải xem xét lại cách xử lý thông tin mật, Deitz nói. Vụ tiết lộ mới nhất sẽ dẫn tới việc xem xét lại toàn bộ hệ thống an ninh mạng ở các cơ quan tình báo và cách thức các nhân viên làm việc, nhất là những nhà thầu tư nhân, theo Leighton. “Họ sẽ phải nhìn lại cách thức hệ thống vận hành. Họ sẽ phải nhìn xa hơn thế và cung cấp thêm an ninh cho tất cả các loại thông tin”. Với NSA, Snowden là một trường hợp khác thường vì thiếu giáo dục và đào tạo chính thống, Leighton nói, do cơ quan này có khuynh hướng chỉ tuyển mộ những kỹ sư với bằng cấp đầy đủ và lựa chọn những người đạt điểm cao nhất trong số những người xin gia nhập quân đội.
Vụ Snowden và lỗ hổng thông tin mật của nước Mỹ ảnh 1
Những người ủng hộ Edward Snowden biểu tình tại Manhattan, New York (Nguồn: AFP)
Trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông, Snowden cũng có thể đã nói quá về việc các thông tin bí mật đi qua màn hình của anh ta và những người cùng cấp của anh ta nhiều ra sao, theo Deitz. Ông cho rằng tuyên bố của Snowden đã bỏ qua các quy trình và thủ tục pháp lý phức tạp cần thiết để tiến hành hoạt động do thám, nghe lén và thu thập thông tin, phản ánh kiểu suy nghĩ đã thành nếp do phim ảnh Hollywood về cách các cơ quan tình báo hoạt động./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục