Vui buồn trong hành trình “lều chõng” của các sĩ tử

Người thì ôtô đưa đón, thuê phòng trọ "VIP" cho con ở, có gia đình chỉ có gói mì tôm cho con trong hành trình thực hiện ước mơ đỗ đạt.
Không còn là mới nhưng cứ vào dịp này hàng năm, câu chuyện ăn ở, ôn luyện, thi cử lại "nóng" lên khi sĩ tử khắp nơi đổ dồn về các thành phố lớn để tham dự kỳ thi đại học, cao đẳng. Chỉ riêng chuyện đưa con lên thành phố thi cũng đã có nhiều hành trình, hoàn cảnh trái ngược đáng để nói.

Người thì ôtô hạng sang đưa đón, thuê phòng trọ "VIP" cho con ở, mua nhiều của ngon vật lạ để bồi dưỡng cho sĩ tử; nhưng có những gia đình chỉ có gói mì tôm, ổ bánh mì cho con trong hành trình "lều chõng" để thực hiện ước mơ đỗ đạt này.

Giữa trưa nắng chang chang cùng với hơi nóng hầm hập bốc lên từ dưới lòng đường, chú Lê Thanh Bách, Phú Thọ, ngồi bần thần núp dưới một bóng cây nhỏ, kiên trì chờ đợi đến giờ vào thi buổi chiều của con gái.

Em Thanh Huyền, con gái chú Bách là thí sinh tại Hội đồng thi Trường Tân Mai, vừa trải qua môn thi đầu tiên khá suôn sẻ. Tuy nhiên, trên gương mặt chú Bách cũng không được vui khi được hỏi về việc ăn uống của hai cha con giữa giờ trưa.

Sau một thoáng e ngại, chú Bách tâm sự, vì con gái thiết tha thi đại học nên chú cũng quyết tâm đưa con ra thi. Nhưng vì kinh tế  gia đình làm ruộng khá eo hẹp, do đó hai bố con chỉ có một khoản tiền rất nhỏ dành cho cuộc hành trình thi cử này.

“Hoàn cảnh sao thì làm vậy, người ta khá giả cho con ăn đủ thứ của ngon, còn bố con tôi chỉ cần gói mì tôm là cũng xong,” chú Bách cười.

Tuy nhiên, có vẻ những áp lực thi cử cũng như cái nóng của thời tiết hay khó khăn vật chất như không ngăn cản được quyết tâm của Huyền, dù không nói gì song cô luôn miệng cười và phe phẩy quyển vở lấy chút gió cho hai bố con.

Cũng cùng cảnh đồng áng nuôi con ăn học, cô Nguyễn Bích Hường, quê Bắc Giang có con gái dự thi vào Đại học Bách Khoa cho biết, thu nhập cả hai vợ chồng tháng nhiều thì được hai, ba triệu đồng, tháng ít có khi chỉ được có dăm trăm nghìn, đưa con đi thì mà lòng cứ lo ngay ngáy.

Hai mẹ con cô lên Hà Nội từ hôm 2/7 và được một người đồng hương cho ở nhờ, nhưng lại xa địa điểm thi nên phải đi xe buýt cũng cực. Do không quá thân thiết với chủ nhà, hai mẹ con bàn tính ăn uống bên ngoài tự túc. Ở thành phố giá cả khá đắt đỏ, mỗi bữa gọi suất cơm 20.000 thường chỉ lèo tèo vài miếng thịt, một miếng trứng và bát canh lõng bõng. Cô Hường thương con thi vất vả, gắp hết thức ăn của mình sang cho con. Cô con gái cũng thương mẹ, không dám ăn, rồi cứ gắp qua, gắp lại...

"Cả mười hai năm tằn tiện nuôi con ăn học, kỳ thi cũng chỉ có mấy ngày nên chúng tôi cũng cố gắng thu xếp cho con được bằng chúng, bằng bạn. Nhưng mới có ba hôm nay, không biết tiêu những gì mà đã hết ngót triệu bạc rồi. Sáng mai thi xong môn cuối cùng, buổi chiều tôi phải thu xếp về sớm, chứ ở trên này rồi không biết có đủ tiền vé về không nữa," cô Hường nói.

Không có tâm trạng lo âu như người lớn, song hai chị em họ Nguyễn Thị Trang và Lê Thị Phương đưa nhau từ Văn Điển ra thi,  cũng tự giác tính toán chi ly mức tiêu pha của mình. Hai chị em rủ nhau ăn bát bún cho rẻ và nhẹ bụng chiều vào thi cho thoải mái.

“Ở tại khu vực Phương Mai này, giá cả ăn uống cũng vừa túi tiền. Một bát bún gà có giá 20.000 đồng, nên hai chị em chỉ ăn hết 40.000 nghìn đồng cho bữa trưa, nước uống thì chúng em đã chuẩn bị từ ở nhà, vừa sạch sẽ lại tiết kiệm,” Trang vui vẻ nói.

Vì không thuê nhà trọ nên hai chị em còn cách duy nhất là tìm đến một gốc cây ở cổng trường ngồi chờ đợt thi chiều. Trang nhường em nằm trên chiếc xe máy nghỉ ngơi, còn mình ngồi bệt xuống đất dựa vào gốc cây, mắt nhắm lim dim.

Nhiều thí sinh ở quanh khu vực ngoại thành, cách chỗ thi hơn chục cây số, nếu về nhà nghỉ trưa, sợ gặp trục trặc không đến thi kịp giờ thi buổi chiều nên cuối cùng họ lựa chọn giải pháp “vạ vật” tìm kiếm một góc trú nắng xung quanh khu vực thi.

Khắc phục mọi khó khăn, không nản trí những thí sinh nghèo hiếu học này đã sẵn sàng bước vào thử thách của môn thi buổi chiều và trong số họ chắc chắn sẽ có người nối dài tiếp sự thành công của con đường học hành. Những bậc cha mẹ cũng  biết chắc rằng sự nhọc nhằn sẽ nhân lên gấp bội khi con họ đạt kết quả trong kỳ thi lần này, nhưng dù khó đến mấy họ vẫn tỏ rõ quyết tâm nuôi dưỡng giấc mơ cho những đứa con mình.

Môn thi lý buổi chiều kết thúc, em Huyền bước ra với nụ cười rạng rỡ. Từ xa chú Bách đã vội hỏi "có làm tốt không con", Huyền gật gật đầu, chạy tới đón chai nước từ tay bố, ngửa cổ uống một hơi.

Người đàn ông này nhìn con khá lâu, mắt rưng rưng. "Bây giờ về nhà trọ, tối nay bố sẽ chiêu đãi con một bữa ra trò, phải lấy sức mai thi tiếp chứ," ông cười hiền với con gái./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục