Vượt nhiều chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp 2006-2020

Ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, dần chuyển dịch từ nền sản xuất lâm nghiệp tự cung tự cấp sang sản xuất lâm nghiệp hàng hóa.
Vượt nhiều chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp 2006-2020 ảnh 1 Chuẩn bị cây giống cung cấp ra thị trường. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, dần chuyển dịch từ nền sản xuất lâm nghiệp tự cung tự cấp sang sản xuất lâm nghiệp hàng hóa.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 6%/năm, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2006-2010, vượt mục tiêu Chiến lược đề ra là 3,5-4%/năm đến năm 2020. Giá trị xuất khẩu lâm sản cũng tăng trưởng mạnh, gấp 3 lần trong vòng 10 năm, từ 2,18 tỷ USD năm 2006 lên 7,3 tỷ USD năm 2016. Dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 8-8,5 tỷ USD, vượt mục tiêu Chiến lược đề ra 7 tỷ USD đến năm 2020.

Việc trồng rừng cũng được triển khai tích cực, bình quân hàng năm trồng được 225.000ha rừng tập trung; trong đó, có trên 90% là rừng sản xuất. Về bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm dần. Diện tích rừng bị thiệt hại giảm từ 5.546 ha/năm giai đoạn 2006-2010 xuống 2.948 ha/năm giai đoạn 2011-2016.

["Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà sao không bị phát hiện?"]

Trong 10 năm qua, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tăng hơn 5 lần, từ 3,2 triệu m3 gỗ năm 2006 lên khoảng 17 triệu m3 vào năm 2016. Khai thác rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ hơn; sản lượng khai thác hàng năm đều giảm và năm 2017 đã thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên trên phạm vi toàn quốc.

Dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, bền vững, góp phần nâng cáo hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, góp phần giảm áp lực chi ngân sách. Hàng năm, thu từ 1.200-1.300 tỷ đồng, chi trả cho trên 5 triệu ha rừng. Lũy kế đến hết năm 2016 đã thu được hơn 6.510 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngành lâm nghiệp vẫn còn một số hạn chế như tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật để lấy đất; khai thác trái phép rừng để lấy lâm sản, nhất là gỗ quy hiếm; sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích, trong khi một bộ phận người dân thiếu đất sản xuất diễn ra ở nhiều nới, đặc biệt là ở các tỉnh Tây Nguyên. Nhiều điểm nóng về phá rừng tự nhiên nghiêm trọng, kéo dài, chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc trong xã hội.

Vượt nhiều chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp 2006-2020 ảnh 2Cạo trọc đất rừng để trồng cây nông nghiệp. (Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN)

Độ che phủ rừng tăng, nhưng chất lượng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên tiếp tục bị suy giảm, giá trị thu nhất trên 1ha rừng trồng thấp. Đa số người dân làm nghề rừng còn nghèo, tỷ trọng thu nhập từ lâm nghiệp chỉ chiếm 25% trong tổng thu nhập của nông dân miền núi.

Quy mô sản xuất lâm nghiệp phổ biến còn nhỏ, manh mún, chưa được tổ chức liên kết theo chuỗi, kết cấu hạ tầng yếu kém; công nghệ và quản trị các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn lạc hậu. Bên cạnh đó, năng suất lao động trong chế biến lâm sản còn thấp; chất lượng, mẫu mã sản phẩm kém cạnh tranh.

Thị trường trong nước chưa được quan tâm đúng mức, chưa thành hệ thống phân phối lưu thông, thiếu gắn kết giữa nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu. Ngoài ra, giá trị gia tăng của ngành vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Trình độ tay nghề lao động lâm nghiệp thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu, trồng rừng chủ yếu là quảng canh. Công nghệ sinh học và tạo giống chưa được ứng dụng trên quy mô rộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục