WHO lên tiếng bảo vệ vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca

Quan chức WHO khẳng định vắcxin ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm của Anh AstraZeneca và Đại học Oxford đồng phát triển vẫn là một công cụ sống còn trong cuộc chiến chống đại dịch hiện nay.
WHO lên tiếng bảo vệ vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca ảnh 1Vắcxin phòng COVID-19 do hãng được AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) phát triển. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vắcxin ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm của Anh AstraZeneca và Đại học Oxford đồng phát triển vẫn là một công cụ sống còn trong cuộc chiến chống đại dịch hiện nay.

Người đứng đầu Liên minh đổi mới ứng phó dịch bệnh (CEPI) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định như trên ngày 8/2, trong bối cảnh Nam Phi quyết định tạm dừng sử dụng vắcxin của AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng do lo ngại về hiệu quả của vắcxin này đối với biến thể của SARS-CoV-2 hiện chiếm tới 80% ca lây nhiễm mới tại nước này.

Theo ông Richard Hatchett, còn quá sớm để loại bỏ vắcxin của AstraZeneca và đây vẫn là công cụ hiệu quả ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Trước đó, giới chức y tế các nước như Anh và Australia cũng đã lên tiếng bảo vệ vắcxin AstraZeneca.

[Anh bảo vệ vắcxin AstraZeneca trước những quan ngại về tính hiệu quả]

Trong khi đó, đại diện của AstraZeneca khẳng định vắcxin của hãng đảm bảo an toàn và hiệu quả trong phòng ngừa dịch COVID-19, đồng thời cho biết đang điều chỉnh vắcxin này để có thể đối phó với biến thể virus SARS-CoV-2 ở Nam Phi.

Vắcxin của AstraZeneca chiếm một lượng lớn trong Cơ chế phân phối vắcxin COVAX cho các nước nghèo hơn để đảm bảo phân phối vắcxin công bằng khắp thế giới.

Hiện WHO và Liên hợp quốc đã phối hợp triển khai phân phối tổng cộng 337,21 triệu liều vắcxin tới khoảng 145 nước trong nửa đầu năm 2021 theo khuôn khổ COVAX.

Nam Phi - quốc gia chịu ảnh hưởng nhất của dịch bệnh tại châu Phi, dự kiến bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng sử dụng vắcxin AstraZeneca trong vài ngày tới.

Tuy nhiên, Chính phủ Nam Phi đã quyết định tạm dừng sử dụng vắcxin sau khi dữ liệu cho thấy vắcxin chỉ có hiệu quả tối thiểu đối với các trường hợp và nhẹ và trung bình mắc biến thể của virus đang được ghi nhận ở nước này.

Nam Phi hiện sở hữu 1,5 triệu liều vắcxin AstraZeneca có hạn sử dụng đến tháng 4/2021. Chưa rõ giới chức Nam Phi sẽ trì hoãn kế hoạch tiêm chủng vắcxin này đến thời điểm nào.

Để đánh giá hiệu quả của vắcxin AstraZeneca, một nhóm các chuyên gia y tế Nam Phi đã đề xuất chính phủ nước này tiêm chủng loại vắcxin này cho vài nghìn người để qua đó có thể theo dõi những phản ứng và đánh giá chính xác hiệu quả sử dụng.

Theo Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zwelo Mkhibe, nước này sẽ triển khai đồng thời công tác tiêm chủng sử dụng vắcxin của Johnson&Johnson mà nước này dự kiến tiếp nhận trong tuần tới, trong khi đánh giá hiệu quả vắcxin của AstraZeneca./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục