Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/11 cảnh báo châu Phi sắp phải chứng kiến số ca mắc bệnh tiểu đường tăng gấp đôi, lên 55 triệu ca vào năm 2045, mức tăng lớn nhất trên toàn cầu.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi, Tiến sỹ Matshidiso Moeti cho biết: "Đại dịch COVID-19 sẽ giảm bớt, nhưng dự báo trong những năm tới, châu Phi sẽ chứng kiến sự gia tăng số ca mắc bệnh tiểu đường với tốc độ nhanh nhất trên thế giới."
Hiện nay, 24 triệu người đang sống chung với căn bệnh "giết người thầm lặng" này tại châu Phi. Theo WHO, ước tính 70% người mắc bệnh tiểu đường ở châu Phi không biết mình đã mắc bệnh.
Chế độ ăn uống nghèo nàn và lối sống ngày càng ít vận động là nguyên nhân khiến số ca mắc tiểu đường type 2 đặc biệt cao ở châu Phi.
Nghiên cứu tại 13 quốc gia châu Phi cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường tử vong vì COVID-19 là 10,2%, cao hơn nhiều so với số ca tử vong trên tổng số người mắc COVID-19 nói chung (2,5%)
[WHO triển khai sáng kiến mới về điều trị bệnh tiểu đường]
Trên thế giới, người mắc bệnh tiểu đường được ưu tiên tiêm phòng COVID-19, nhưng tại châu Phi, tỷ lệ được tiếp cận với vaccine vẫn thấp. Chỉ 6,6% dân số châu lục này đã tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19 so với khoảng 40% trên toàn cầu.
Dữ liệu từ 37 quốc gia cho thấy từ tháng 3/2021 đến nay, hơn 6,5 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người châu Phi mắc các bệnh nền như tiểu đường, chiếm 14% tổng số liều đã được tiêm đến nay.
Nỗ lực tiêm cho người mắc bệnh tiểu đường đã được chú ý hơn, với một nửa trong số 6,5 triệu liều nói trên được tiêm trong hai tháng qua.
Tuy nhiên, ông Moeti nhấn mạnh: "9 tháng kể từ khi các chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở châu Phi được khởi động, chúng ta vẫn còn quá xa mục tiêu bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương."
Ông cho biết cần nhanh chóng tăng cường tiêm phòng và các dịch vụ quan trọng khác cho người có nguy cơ cao./.