Ngày 13/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bắt đầu triển khai sáng kiến nhằm hạ giá thành và tăng việc tiếp cận insulin cho những người mắc bệnh tiểu đường tại những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Trong chương trình thí điểm kéo dài hai năm, WHO sẽ đánh giá và cấp chứng nhận cho các sản phẩm insulin do các nhà sản xuất phát triển nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá thành.
Trên thế giới hiện có 3 công ty đang kiểm soát phần lớn insulin trên thị trường, nên việc kiểm soát giá thành và chất lượng sẽ không quá khó, từ đó sẽ buộc được các công ty sản xuất nhỏ hơn cũng phải tuân theo quy định chung để đảm bảo nguồn cung insulin ổn định, chất lượng cho tất cả các thị trường.
Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ đề ra những hướng dẫn cụ thể để giúp các cơ quan quốc tế như Quỹ Toàn cầu, Liên minh Vắcxin Gavi, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các quốc gia đặt mua vắcxin và các sản phẩm quan trọng khác với số lượng lớn và giá thành thấp hơn.
[Infographics] Gánh nặng bệnh đái tháo đường tại Việt Nam
Theo thống kê của WHO, thế giới hiện có hơn 420 triệu người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường, cao hơn nhiều so với con số 180 triệu người trong năm 1980. Theo dự báo của Hiệp hội Tiểu đường Quốc tế, đến năm 2045, con số này có thể sẽ tăng lên 629 triệu người.
Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định bệnh tiểu đường ngày càng phổ biến trên toàn cầu và tăng nhanh hơn tại các nước có thu nhập thấp, nơi có rất nhiều người gặp khó khăn tài chính trong việc tiếp cận insulin. Vì thế, sáng kiến của WHO sẽ là bước đi quan trọng để đảm bảo tất cả những ai cần insulin đều có thể tiếp cận được với loại thuốc này.
Tiểu đường là một bệnh lý về rối loạn chuyển hóa không đồng nhất và có đặc điểm là tăng lượng đường huyết trong cơ thể. Nguyên nhân bệnh thường do nồng độ insulin trong cơ thể không ổn định.
Bệnh tiểu đường được chia thành hai loại tuýp 1 và tuýp 2, trong đó 100% bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1 đều cần phải được bổ sung insulin, trong khi số bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 cần được bổ sung insulin là 65 triệu người.
Theo thống kê, bệnh tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ 7 trên thế giới, chủ yếu do các biến chứng như đau tim, đột quỵ, suy thận, mù lòa và nhiều rủi ro khác./.